Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn điều tra, xử lý vi phạm đối với những hành vi vận chuyển trái phép, nhập lậu lợn và sản phẩm từ lợn.
Về thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu, hàng hóa phải được quản lý tại cửa khẩu nhập đầu tiên; Không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu, đưa hàng về bảo quản; Chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch.
Trường hợp phát hiện các lô hàng lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý.
Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình và kết quả xử lý đối với những lô hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu bị nhiễm dịch bệnh nếu có về Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan).
Trước đó, ngày 30/8/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY gửi các Bộ và địa phương, trong đó có Bộ Tài chính về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Tại công điện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, đã có 12 quốc gia (Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungari, Latvia, Moldova, Phần Lan, Roma, Nam Phi và Zambia) báo cáo có Dịch tả lợn châu Phi.