Tổng hợp tình hình dịch Covid-19 đến sáng 21/3: Châu Âu tiếp tục đương đầu với những kỷ lục mới đáng sợ

(PLVN) - Tính đến nay, 182 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc Covid-19, với tổng số 250.577 ca mắc, 10.253 người tử vong.

Được coi là tâm điểm của Châu Âu trong đại dịch Covid-19, Italia đã phải đối diện với những kỷ lục không mong muốn khi số ca mắc và tử vong do Covid-19 tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu suy giảm. Với 627 ca tử vong mới, tổng số bệnh nhân chết vì Covid-19 tại đất nước tâm dịch của châu Âu đã lên tới 4.032 ngày 20/3, tăng 18,4% so với một ngày trước đó.

Trước tình trạng này, Italy đã phải huy động lực lượng quân đội tham gia giám sát việc thực hiện Sắc lệnh phong tỏa.

Hiện Italy đã triển khai 7.300 lính giám sát trên các đường phố của vùng Campagnia, Sicily và 13.000 lính đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng để triển khai tại các khu vực khác. Dự kiến việc triển khai sẽ được thực hiện sớm.

Đứng sau Italia, Iran hiện là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc bởi đại dịch Covid-19. Ngày 20/3, số người tử vong do Covid-19 ở Iran đã tăng thêm 149 người, nâng tổng số trường hợp tử vong do bệnh này lên 1.433 người. Số ca nhiễm Covid-19 đã tăng thêm 1.237, nâng tổng số trường hợp nhiễm tại Iran lên 19.644 người.

Ngày 20/3, Bỉ công bố có thêm 462 ca mắc Covid-19 và 16 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.257 và ca tử vong lên 37.

Tổng cộng, có 837 bệnh nhân nhập viện, tăng 203 trường hợp trong 24 giờ qua, trong đó có 164 được chăm sóc tích cực, 114 người phải hỗ trợ máy thở. Người phát ngôn của liên bang Bỉ về Covid-19 Emmanuel André cho biết nước này có 1.900 giường điều trị tích cực.

Kể từ ngày 13/3 đến nay, đã có 234 người được chữa khỏi, trong đó có 48 người ra viện trong một ngày qua.

Chính phủ Sri Lanka đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc, bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều 20/3 và kết thúc lúc 6:00 sáng 23/3 (theo giờ địa phương) để hạn chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này.

Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống Sri Lanka đã kêu gọi tất cả người dân nước này tuân thủ lệnh giới nghiêm và ở trong nhà.

Trước đó, ngày 19/3, Tổng thống Gototti Rajapaksa đã công bố quy định làm việc tại nhà trong 7 ngày, bắt đầu từ ngày 20/3, trong nỗ lực hạn chế tối đa mọi người ra khỏi nhà.

Các quan chức chính phủ cho biết quy định này sẽ kéo dài đến ngày 27/3 tới.

Cho đến nay, Sri Lanka đã xác nhận 59 trường hợp mắc COVID-19, trong khi hơn 230 người vẫn đang được theo dõi tình trạng sức khỏe tại các bệnh viện trên cả nước.

Nhật Bản thông báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã tăng lên 984 người tính đến 19 giờ ngày 20/3 theo giờ địa phương.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, số người tử vong do COVID-19 ở nước này hiện là 41 người, bao gồm cả những người tử vong trên tàu Diamond Princess bị cách ly ở Yokohama, gần thủ đô Tokyo. Số người nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản đã được xuất viện là 766 người.

Ngày 20/3, thị trưởng thành phố thủ đô Jakarta (Indonesia), ông Anies Baswedan, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 2 tuần tại thành phố này do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, cơ quan y tế tỉnh Nam Sulawesi đã đưa hàng nghìn tín đồ Hồi giáo dự lễ Ijtima Ulama (lễ đọc kinh Coran tập thể) năm 2020 khu vực châu Á tại huyện Gowa tới các khu cách ly tại nhiều địa điểm.

Tổng cộng 8.223 người đã được đưa đến các điểm cách ly này. Theo tờ Jakarta Post, giới chức địa phương đã chuyển 474 người nước ngoài bằng các xe buýt và cử binh sỹ cùng cảnh sát hộ tống.

Trong ngày 20/3, hơn 200 ca tử vong đã được ghi nhận tại Mỹ và hơn 12.000 ca nhiễm bệnh, tính tới sáng 20/3 theo giờ địa phương, tăng hơn 3.000 ca so với ngày trước đó. Bang New York (Mỹ)  ghi nhận 7.102 ca dương tính, trong đó 2.950 ca mới. Tỷ lệ nhập viện là 18%.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/3 thông báo ngừng cấp thị thực thông thường trên toàn thế giới do Covid-19, trong khi thị thực khẩn cấp vẫn được xem xét.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo G7 (gồm Mỹ, Italy, Nhật, Canada, Pháp, Đức, Anh), dự kiến diễn ra tại Trại David của Mỹ vào tháng 6 và chuyển sang hình thức họp qua cầu truyền hình.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan. Những cuộc thảo luận qua video dự kiến diễn ra vào tháng 4 và 5, tương tự cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các lãnh đạo G7 được tổ chức hồi đầu tuần này.

Đây là một phần nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19 do các quốc gia thường cử những phái đoàn lớn tới hội nghị thượng đỉnh G7, cùng với đó là nhiều phóng viên đến từ các nước trên thế giới. 

Ngày 20/3, giới chức Hàn Quốc thông báo phát hiện một ổ dịch mới tại tỉnh Daegu - tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này. Đó một viện điều dưỡng ở Daegu.

Trong 3 ngày qua,  57 người tại viện này có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Chính quyền sở tại đang tiến hành xét nghiệm  đối với toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và nhân viên làm việc tại viện điều dưỡng nói trên cũng như các cơ sở có liên quan trong khu vực.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, cho biết số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 102 người, hầu hết là người lớn tuổi.

Tổng số ca mắc COVID-19 tại xứ Hàn hiện là 8.653 ca, trong đó 70% các ca nhiễm tập trung tại Daegu - thành phố lớn thứ 4 ở nước này với dân số 2,5 triệu người.

Có khoảng 10% bệnh nhân là người già trên 80 tuổi với tỷ lệ tử vong là 1,09%.

Tại Việt Nam, đến sáng 21/3, đã có 87 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong đó 17 người đã được chữa khỏi. Trong đêm 20/3, Việt Nam cũng đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa phố Trúc Bạch - nơi phát hiện bệnh nhân số 17 dương tính với Covid-19 sau khi từ nước Anh trở về. 

Đọc thêm