Theo AFP, cơ chế họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các nước G20 – các nước chiếm 4/5 sản lượng kinh tế thế giới – được khởi động từ năm 2008 nhằm tạo mặt trận thống nhất trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu lúc bấy giờ. Cuộc họp của lãnh đạo các nước G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh sự đồng thuận giữa các nước bị cho là đã mai một đáng kể bởi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump và việc một số nước như Brazil, Italia hay Mexico cũng có những lãnh đạo theo đường lối dân túy.
Hội nghị Thượng đỉnh của lãnh đạo các nước G20 năm nay diễn ra sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức khác đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng đối với nền kinh tế thế giới do các cuộc chiến tranh thương mại được ông Trump phát động gây ra. Trong báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị được công bố ngày 28/11, IMF cho rằng các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu, đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Ông Trump đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo với việc áp thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc và đang dọa áp thuế thêm vào tháng 1 tới.
IMF cũng cho rằng các mức thuế mà Mỹ đe dọa áp dụng đối với ôtô nhập khẩu từ tất cả các quốc gia nếu có hiệu lực có thể khiến GDP toàn cầu mất đi 0,75% chỉ trong ngắn hạn. Theo báo cáo, các hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục thu hẹp nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa đánh thuế và kéo theo việc các nước khác cũng có biện pháp đáp trả nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng, việc Anh rời khỏi EU cũng là một đe dọa tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh như vậy, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị lần này, ông Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tránh nguy cơ Mỹ áp thêm thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, dựa trên những diễn biến thời gian qua, nhiều khả năng, tại cuộc gặp lần này, ông Trump và ông Tập sẽ chỉ đạt được thỏa thuận để tạm thời dừng cuộc chiến đánh thuế lại để hai bên có thêm thời gian xử lý những bất đồng.
Phát biểu trước Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Nacion cảnh báo về nguy cơ xảy ra một “cuộc đấu tay đôi” giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như một cuộc chiến tranh thương mại mang tính phá hoại với tất cả. “Nếu chúng ta không cho thấy tiến bộ tích cực, những hội nghị quốc tế sẽ trở nên vô dụng và thậm chí là phản tác dụng”, Tổng thống Pháp nói.
Một trong những hoạt động khác của ông Trump được chú ý tại Hội nghị này là cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hôm 28/11, Tổng thống Mỹ lên tiếng đe dọa hủy bỏ cuộc gặp vì vụ việc các lực lượng an ninh Nga bắt giữ 3 tàu của Ukraine vào cuối tuần qua. Song, Điện Kremlin ngày 29/11 khẳng định cuộc gặp giữa 2 Tổng thống Nga và Mỹ sẽ diễn ra vào 14h30 GMT ngày 1/12 bên lề Hội nghị G20 tại Argentina.
Theo một trợ lý của Điện Kremlin, tại cuộc gặp, lãnh đạo 2 nước sẽ tìm kiếm các biện pháp phá vỡ bế tắc trong quan hệ giữa hai nước, cũng như các vấn đề liên quan đến Syria, Iran, Triều Tiên… Hội nghị G20 năm nay còn nổi lên những xung đột như tranh cãi giữa Anh và Argentina về chuỗi đảo Falkland/Malvinas…