Thông cáo từ Nhà Trắng cho biết, chuyến thăm tới Công viên tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima của ông Obama sẽ diễn ra nhân dịp ông tới dự Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Nhật. Chuyến thăm được thực hiện nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc theo đuổi hòa bình và an ninh của một thế giới không vũ khí hạt nhân. Ông Obama sẽ đi cùng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới Hiroshima.
Theo New York Times, chuyến thăm của ông Obama là điều mà ông đã xem xét gần như trong suốt 2 nhiệm kỳ của mình. Chuyến thăm này được cho là sẽ đặt một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ từ những kẻ thù trong chiến tranh thành những đồng minh thân cận nhất.
Tuy nhiên, cả giới chức Mỹ và Nhật Bản đều cho biết ông Obama sẽ không xin lỗi về vụ đánh bom. “Ông ấy sẽ không xem xét lại quyết định sử dụng bom hạt nhân vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Thay vào đó, ông ấy sẽ đưa ra tầm nhìn hướng tới tương lai, tập trung vào tương lai chung của 2 nước” - ông Benjamin J. Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia về truyền thông chiến lược của ông Obama, cho hay.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng không tỏ dấu hiệu cho thấy ông sẽ thúc ép Mỹ đưa ra lời xin lỗi. Thay vào đó, ông nói rằng chuyến thăm của ông Obama vào ngày 27/5 là cơ hội để tưởng nhớ những người đã mất và ủng hộ quá trình giải giáp hạt nhân. “Nhật Bản là nước duy nhất từng bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân và chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng kinh nghiệm khủng khiếp đó sẽ không lặp lại ở bất cứ nơi nào” - ông Abe nói.
Theo New York Times, người dân Nhật Bản phần lớn hoan nghênh ý tưởng về chuyến thăm của ông Obama dù ông sẽ không xin lỗi. Trong một cuộc thăm dò ý kiến được đăng tải trước khi quyết định được chính thức thông báo, 70% người được hỏi nói với Đài truyền hình NHK rằng họ hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ đến thăm Hiroshima. Hồi tháng trước, Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến thăm Nhật Bản để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G7 tới đây đã trở thành quan chức cao cấp nhất của Mỹ từng tới thăm Hiroshima.
Trong suốt thời gian tại nhiệm, cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của thế giới và giảm nguy cơ tấn công hạt nhân là các vấn đề được ông Obama chú trọng và đó cũng là lý do ông giành được Giải Nobel Hoà bình năm 2009.
Ông Obama cũng đạt được một số thành tựu trong vấn đề thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân. Năm 2010, Mỹ đã phê chuẩn thỏa thuận START mới với Nga, theo đó giới hạn số đầu đạn hạt nhan chiến lược được triển khai xuống còn 1.550 và theo thỏa thuận đạt được năm 2015 với Iran, Tehran cũng đã chấp thuận bàn giao gần như tất cả kho vật liệu hạt nhân của mình.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân mới đây và một số sự kiện khác, ông Obama cũng đã thành công trong việc đưa các nhiên liệu hạt nhân có thể nâng cấp thành bom khỏi các nước như Ukraine và Chile. Tuy nhiên, ông cũng là người đã nỗ lực thúc đẩy hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, dấy lên những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì hoà bình nói rằng ông cần theo đuổi các bước đi cụ thể hơn. “Chúng tôi muốn ông ấy thực hiện một số hành động trong chuyến thăm này để nó không chỉ là những lời nói” - ông Paul Kawika Martin, giám đốc các vấn đề chính trị và chính sách tại Viện hành động hoà bình, thúc giục.
AFP cho biết, Nhật Bản từ lâu đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tới thăm Hiroshima và Nagasaki để chứng kiến sự khủng khiếp của những quả bom hạt nhân và chung tay xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Về phía Mỹ, cựu tổng thống nước này Jimmy Carter đã tới thăm Hiroshima sau khi rời nhiệm sở còn ông Richard Nixon cũng đã tới thành phố này ít năm trước khi trở thành tổng thống.