Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã đọc tuyên bố của ông Putin trong một đoạn video do Bộ Ngoại giao nước này công bố hôm thứ Sáu – 25/9, trong khi người đứng đầu Điện Kremlin đang thăm các cuộc tập trận ở miền nam.
Trong tuyên bố của mình, ông Putin kêu gọi hai nước "trao đổi đảm bảo không can thiệp vào công việc nội địa của nhau bao gồm bầu cử" và đặc biệt lưu ý việc sử dụng "công nghệ thông tin và truyền thông". Ông Putin nhấn mạnh rằng “một trong những thách thức chiến lược chính của thời đại chúng ta là nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quy mô lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số” và kêu gọi các biện pháp “khởi động lại quan hệ của chúng ta” trong lĩnh vực an ninh thông tin và truyền thông.
Tổng thống Nga cho biết: Điều này sẽ bao gồm việc trao đổi đảm bảo không can thiệp vào công việc nội bộ của bên kia.
Theo tờ Wall Street Journal, trong đề nghị nói trên, ông Putin cho rằng các biện pháp mà ông đang đề xuất nên dẫn đến khôi phục đối thoại liên ngành song phương quy mô đầy đủ thường xuyên giữa các cơ quan của Mỹ và Nga về các vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh thông tin quốc tế.
"Một trong những thách thức chiến lược lớn hiện nay là nguy cơ xảy ra đối đầu quy mô lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số", nhà lãnh đạo Nga nhận định, “Trách nhiệm đặc biệt trong việc ngăn chặn nó thuộc về những người đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đảm bảo an ninh thông tin quốc tế.
|
Các cử tri ở Arlington, Virginia đã bỏ phiếu sớm vào tuần trước. Ảnh: AFP/Getty Images |
Ông cũng đề xuất rằng Moscow và Washington ký kết một hiệp ước về ngăn chặn các sự cố mạng - tương tự như hiệp định về Sự cố trên biển giữa Mỹ và Liên Xô có hiệu lực từ năm 1972 nhằm giảm khả năng xảy ra sự cố trên biển giữa hai nước và ngăn chặn bất kỳ sự leo thang nào nếu như vậy.
Tờ Moscow Times cho hay, đề xuất của Putin về một hiệp ước không can thiệp vào không gian mạng được đưa ra trong bối cảnh Điện Kremlin cáo buộc rằng các nước phương Tây đang tiến hành một chiến dịch "sai lệch thông tin" chống lại Nga về vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny ở Siberia hồi tháng trước.
Các nước phương Tây trong nhiều năm đã cáo buộc Nga sử dụng tin tặc và những kẻ lừa đảo trên mạng để làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Căng thẳng về cáo buộc và các lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow đã khiến quan hệ giữa hai cường quốc trở nên xấu đi.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã phê phán Giám đốc FBI Christopher Wray vì ông này đề cập đến mối đe dọa từ Nga trong cuộc bầu cử ngày 3/11 sắp tới.
Còn Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc can thiệp bầu cử. "Như chúng tôi đã nhiều lần nói, không có cơ sở cho những tuyên bố như vậy", Ngoại trưởng Nga Lavrov nói cuối tuần vừa rồi, "Chúng tôi ủng hộ thảo luận chuyên nghiệp và mang tính xây dựng về tất cả các vấn đề hiện có thông qua các cuộc đàm phán”.