Tổng thống Serbia có hành động 'bất chấp các lệnh trừng phạt của EU'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong cuộc điện đàm ngày 29/5 với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Serbia tuyên bố rằng ông đã đạt được một thỏa thuận khí đốt tự nhiên "cực kỳ thuận lợi" với Nga ngay từ khi có cuộc xung đột Nga- Ukraine.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić trong cuộc họp báo ở Belgrade vào tháng 11/2021. Ảnh: AP
Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić trong cuộc họp báo ở Belgrade vào tháng 11/2021. Ảnh: AP

"Điều tôi có thể nói với các bạn là chúng tôi đã thống nhất về các yếu tố chính rất thuận lợi cho Serbia", ông Vučić nói với các phóng viên. "Chúng tôi đã đồng ý ký hợp đồng ba năm, đó là yếu tố đầu tiên của hợp đồng rất phù hợp với phía Serbia", Tổng thống Serbia thông tin.

Thỏa thuận khí đốt này có thể sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Belgrade vào đầu tháng 6.

Tổng thống Vučić cũng cho biết, trong cuộc điện đàm, ông đã nói với ông Putin rằng ông mong muốn "hòa bình sẽ được thiết lập càng sớm càng tốt".

Không rõ Serbia sẽ nhận được khí đốt của Nga như thế nào nếu EU quyết định ngừng cung cấp khí đốt của Nga đi qua các nước thành viên. Nga đã cắt xuất khẩu khí đốt cho các thành viên EU là Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria.

EU nói chung đã vội vã giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga kể khi diễn ra cuộc xung đột Nga- Ukraine và chuẩn bị thảo luận về các cách để tiếp tục giảm bớt sự phụ thuộc này trong hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo bắt đầu vào 30/5.

"Thỏa thuận mà Tổng thống Vučić đạt được với Tổng thống Putin là bằng chứng cho thấy quyết định của Serbia không tham gia vào các hoạt động chống Nga được tôn trọng như thế nào", Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin nói.

Serbia, cùng với Belarus và Bosnia, không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Hãng hàng không quốc gia Air Serbia của nước này cũng nằm trong số ít các hãng hàng không trên lục địa này vẫn khai thác các chuyến bay đến Nga.

Serbia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga và các công ty năng lượng chính của nước này thuộc quyền sở hữu đa số của người Nga.

Đọc thêm