“Tour 0 đồng - “bóng ma” của du lịch

(PLO) - Vì thực tế “tour 0 đồng” chỉ là mồi câu khách du lịch. Các vị khách nhẹ dạ ấy không biết rằng, thay vì được thưởng lãm danh lam thắng cảnh thì họ lại bị “đẩy vào” các cửa hàng lưu niệm, nhà hàng ăn uống, mua sắm với giá “cắt cổ”.
Khách Trung Quốc đến thành phố Đà Nẵng ngày càng đông.
Khách Trung Quốc đến thành phố Đà Nẵng ngày càng đông.

Những chiến thuật bán…“tour 0 đồng”!

Tour giá rẻ hay còn gọi “tour đồng” có thể được hiểu đơn giản nhất là khách du lịch mua sản phẩm du lịch gồm chi phí vé máy bay (tàu, thuyền, ô tô), phí visa, dịch vụ khách sạn và chương trình du lịch với mức giá thấp hơn nhiều mức chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả. Còn về phía doanh nghiệp du lịch, tour giá rẻ là tour có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành “tour 0 đồng” hay “tour không có lãi”, thậm chí là “tour âm đồng” hay “tour lãi âm”.

Ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng giải thích thêm, tour 0 đồng thật ra là hình thức du lịch mà du khách không phải bỏ tiền ra mua các dịch vụ mặt đất mà thay vào đó, họ chỉ bỏ tiền đặt mua vé máy bay và nơi lưu trú. Để lấy lại vốn, các đơn vị tổ chức tour đưa du khách tới những cửa hàng bán với giá cao hơn thị trường rất nhiều. Từ khoản chênh lệch trong mua sắm này, các cửa hàng sẽ chi trả tiền hoa hồng lại cho đơn vị tổ chức tour.

Ví như, Trung Quốc chào bán tour, mỗi tour du lịch quốc tế 4 ngày 3 đêm tại Hạ Long và các điểm lân cận dành cho khách đường bộ Trung Quốc, các công ty lữ hành trong nước chỉ thu trung bình khoảng 250 NDT/khách, tương đương 815.000 đồng. Với số tiền mua tour “rẻ như cho” ấy khiến nhiều người bất ngờ khi khách bản địa Việt Nam đi du lịch ngay trong địa phương mình cũng không đủ. “Tour 0 đồng” ấy đã làm nhiều khách du lịch hám lợi, “mờ mắt” lao vào mua tour. 

Dĩ nhiên, các hãng lữ hành Trung Quốc chẳng bao giờ “cho không” ai cái gì. Thay vì được thưởng lãm kỳ quan thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới thì bị “đẩy vào” các cửa hàng lưu niệm, nhà hàng ăn uống, mua sắm mà ông chủ là người Trung Quốc với giá “cắt cổ”. Du khách muốn đi thưởng lãm trên đảo thì bị hướng dẫn viên “chặt chém”. Ví như, vé tham quan đảo Ti Tốp từ 500-800 nghìn/ người. Mỗi dịch vụ, vé đều bị đội giá lên 150-200% khiến du khách cay đắng chịu thiệt thòi từ “tour 0 đồng” thành tour… “thần đồng” về giá. 

Thời gian qua, tại Đà Năng có hiện tượng người nước ngoài lấy tên công ty Việt Nam làm bình phong nhằm hoạt động du lịch “chui”. Thậm chí những doanh nghiệp này còn kinh doanh tour 0 đồng nhưng khai thác việc bán hàng khép kín với giá đắt đỏ và có sự chăn dắt để bù lại. Đà Nẵng đón lượng khách Trung Quốc tăng 80% và khách Hàn Quốc tăng 100%. Việc khách tăng chưa từng có như trên cũng xuất hiện nhiều vi phạm và Sở Du lịch đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử phạt với số tiền 406 triệu đồng. Ngoài ra, Sở cũng tước giấy phép lữ hành 24 tháng đối với hai công ty là Landscape và Nature Love. Đây là hai công ty cho người Trung Quốc mượn tư cách pháp nhân và giấy phép để hoạt động lữ hành trái phép. 

Cần cấm hành vi “mua đoàn”

Tour giá rẻ hay “tour 0 đồng” thực chất đã xuất hiện tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore, đến giờ vẫn tồn tại. Đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đến châu Âu năm 2004 chính là đoàn khách tour “0 đồng”, khi đó hướng dẫn viên phải trả công ty du lịch trung bình 180 euro/đầu khách. Ngày nay, khách Trung Quốc đến Nhật Bản và Hàn Quốc đi theo tour giá rẻ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Chính phủ và ngành du lịch các nước đều muốn “đoạn tuyệt” với tour giá rẻ và “tour 0 đồng” nhưng thực tế đều lúng túng, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh du lịch ngày càng khốc liệt như hiện nay. 

Theo bà Lê Vàng, chuyên viên Vụ Thị trường du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam, để hạn chế “tour 0 đồng”, ngành Du lịch Việt Nam phải quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế. 

Với điểm mua sắm, nếu quản lý tốt thì đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ. Các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách. Thực tế cho thấy, trong khi chúng ta khó lòng khiến khách từ các thị trường khác rút hầu bao mua sắm thì khách du lịch Trung Quốc lại có khả năng mua sắm rất cao, họ mua bất kỳ những gì có gắn mác “made in Vietnam” khi đến Nha Trang.

Ngoài ra, ngành Du lịch cần thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga; số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi từ khách sạn, sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện.

Đặc biệt, người dân và các cấp, các ngành cần thay đổi quan điểm nhìn nhận từ đối với bản chất vận động của thị trường và thái độ ứng xử với khách. Tour giá rẻ hay “tour 0 đồng” không phải lỗi của công ty gửi khách, cũng không phải lỗi của công ty đón khách, càng không phải lỗi của khách du lịch mà phần lớn do hệ quả  cung - cầu của thị trường kèm theo sự cạnh tranh khốc liệt của nó. Thái độ ứng xử của người dân hay các biện pháp quản lý của địa phương phải xoay quanh lấy lợi ích chính đáng của du khách làm trung tâm.

Đọc thêm