TP HCM phấn đấu thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 19/10, Bộ Y Tế cùng Báo Tiền Phong và trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức Hội thảo về y tế nhằm góp phần củng cố hệ thống y tế, đưa TP HCM sớm đạt được mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Toàn cảnh buổi Hội thảo về giải pháp đưa TP HCM thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Toàn cảnh buổi Hội thảo về giải pháp đưa TP HCM thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

Tại hội thảo, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết: Ngành y tế Việt Nam, các nước ASEAN và thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề về bệnh tật, sức khỏe.

Cụ thể, với bệnh lây nhiễm: Nổi lên là bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tay chân miệng… Với bệnh không lây nhiễm thì thế giới đang đối mặt các bệnh như ung thư, huyết áp, tim mạch, tiểu đường, béo phì, thiếu dinh dưỡng, các loại tai nạn chấn thương, thương tích…
Đặc biệt, hậu COVID-19, nhiều người đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ và của gia đình. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi người đang tăng lên rất cao sau đại dịch này.

“Tất cả những điều trên đặt ra suy nghĩ là chúng ta làm gì để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Đó không chỉ là ghép tim, ghép gan, thận, tế bào gốc mà làm sao trở thành trung tâm tốt để thu hút người nước ngoài tới, thu hút nhà đầu tư, Việt kiều về nước khám chữa bệnh”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Hội thảo về y tế nhằm góp phần củng cố hệ thống y tế, đưa TP HCM sớm đạt được mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

Hội thảo về y tế nhằm góp phần củng cố hệ thống y tế, đưa TP HCM sớm đạt được mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Sở Y tế TP HCM, Thành phố hiện có 129 bệnh viện, trong đó có 12 bệnh viện bộ, ngành chuyên sâu, tuyến cuối, góp phần làm nền tảng phát triển y tế chuyên sâu; có 32 bệnh viện tuyến Thành phố, 19 bệnh viện quận/huyện, 66 bệnh viện tư nhân, 22 trung tâm y tế quận/huyện, 310 trạm y tế xã/phường/thị trấn và hơn 8.000 phòng khám tư nhân, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn và các tỉnh khu vực phía Nam.

Với lợi thế đó, ngành Y tế TP HCM đặt ra mục tiêu phát triển y tế chuyên sâu, hướng đến trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN.

Để triển khai chương trình, kế hoạch này, tại hội thảo, nhiều chuyên gia đề xuất các giải pháp như: Xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; giải pháp để Thành phố trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

Đơn cử như BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ và PGS-TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Dược Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đưa ra các giải pháp về đào tạo, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực y tế chất lượng cao và các phát triển hệ thống y tế vệ tinh, tạo thế mạnh y tế vùng trọng điểm xung quanh TP HCM, đáp ứng nhu cầu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN…

Sở Y tế TP HCM thì đề xuất lãnh đạo UBND TP HCM chấp thuận phân cụm hệ thống y tế thành 3 cụm y tế, đó là: “Cụm y tế trung tâm” gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối hiện hữu trên địa bàn các quận trung tâm của Thành phố, tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế chuyên sâu...

Đọc thêm