Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP HCM vừa có đề nghị gửi đến UBND 24 quận, huyện thực hiện các nội dung liên quan đến chuyển đổi phương tiện, sắp xếp hoạt động thu gom rác dân lập.
Theo đó, Sở TN&MT đề nghị UBND quận, huyện tổ chức, sắp xếp hoạt động của chủ thu gom rác dân lập theo 3 hình thức: Vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường; Vận động chuyển đổi phát triển lên Công ty/doanh nghiệp vệ sinh môi trường; Người thu gom rác dân lập gia nhập vào tổ chức hoạt động của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích (DVCI) quận, huyện.
Cạnh đó, địa phương hướng dẫn chủ thu gom dân lập tổ chức, sắp xếp, hoán đổi đường dây, tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn phải được dựa trên nguyên tắc tối ưu cự ly và khối lượng thu gom, khép kín trên địa bàn khu phố tuyến đường của phường. Không để tình trạng da beo, một chủ thu gom rời rạc, đứt quãng trên nhiều địa bàn khác nhau.
Địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm của các chủ thu gom rác dân lập trong quá trình hoạt động.
Sở TN&MT cũng đề nghị Công ty TNHH MTV DVCI quận - huyện có giải pháp, chính sách hỗ trợ đối với trường hợp chủ thu gom rác trở thành công nhân của công ty trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của người thu gom.
Các quận, huyện chủ động kế hoạch sắp xếp hoạt động thu gom rác dân lập, đảm bảo thời gian đồng bộ với tiến độ chuyển đổi phương tiện.
Song song với việc tổ chức sắp xếp hoạt động thu gom rác dân lập, UBND quận, huyện hướng dẫn các phương thức thu gom, mẫu phương tiện đã được thông báo áp dụng trên địa bàn quản lý để các chủ thu gom lựa chọn phù hợp với quy mô và khả năng đầu tư. Thống kê và xác định cụ thể danh sách các chủ thu gom, mẫu phương tiện dự kiến đầu tư để quản lý.
Đặc biệt, Sở TN&MT yêu cầu các địa phương thực hiện đánh giá tổng thể hiện trạng công tác thu gom, vận chuyển, trung chuyển CTRSH để xác định phương thức thu gom chất thải (thu gom và trung chuyển dọc tuyến; thu gom và trung chuyển tại các điểm hẹn; thu gom và trung chuyển tại các trạm trung chuyển) phù hợp với địa phương. Trong đó, mỗi quy trình thu gom phải chi tiết điều kiện áp dụng, chủng loại phương tiện và trang thiết bị kèm theo.
Địa phương cần lưu ý hướng dẫn cụ thể quy trình thu gom trong các tuyến hẻm nhỏ, hẻm cụt và trung chuyển chất thải lên các phương tiện cơ giới.
Trên tinh thần đó, các quận huyện cần thông báo bằng văn bản về việc áp dụng các phương thức thu gom trên địa bàn quản lý trong quý III/2020 để chủ thu gom, vận chuyển chất thải biết, định hướng đầu tư phương tiện phù hợp (tránh đầu tư phương tiện cơ giới có tải trọng lớn, không phù hợp với phương thức thu gom, trung chuyển của quận, huyện).
Yêu cầu các đơn vị trúng thầu cung ứng dịch vụ vận chuyển CTRSH phải báo cáo kế hoạch cụ thể về đầu tư, bổ sung đủ phương tiện đáp ứng đủ nhu cầu trung chuyển chất thải phát sinh trên địa bàn; xóa bỏ tình trạng tồn lưu chất thải tại các điểm hẹn hoặc trạm trung chuyển.
Về chuyển đổi phương tiện thu gom rác, Sở TN&MT đề nghị các địa phương xây dựng cụ thể kế hoạch chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý và thông báo trong quý IV/2020 về lộ trình thực hiện để chủ thu gom, vận chuyển biết, có kế hoạch triến khai phù hợp với tiến độ của địa phương.
Nhằm thực hiện tiến độ chuyển đổi phương tiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố và việc tổ chức thực hiện có lộ trình để ổn định hệ thống thu gom, Sở TN&MT đề nghị các quận, huyện: Quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 hoàn thành chuyển đổi phương tiện trong quý III/2021.
Quận Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh hoàn thành chuyển đổi phương tiện trong quý IV/2021; huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi hoàn thành chuyển đổi phương tiện trong giai đoạn 2022-2025. Phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2023.