Ngân hàng huyết thanh là đơn vị tổ chức thu thập, bảo quản và cung cấp các nguồn mẫu để thực hiện xét nghiệm, phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm.
Để thực hiện được điều này, HCDC sẽ xây dựng kế hoạch thu thập mẫu định kỳ cho Ngân hàng, có bộ quy trình bảo quản, truy xuất và sử dụng các mẫu phục vụ cho các mục tiêu khác nhau của kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, HCDC cũng sẽ xây dựng các mô hình phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra những định hướng cho những quyết định y tế công cộng.
Tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết việc đầu tư cho Ngành Y tế luôn là một trong các vấn đề mà lãnh đạo Thành phố quan tâm.
Đặc biệt, việc xây dựng HCDC xứng tầm theo mô hình CDC của các quốc gia tiên tiến khác là một trong những hoạt động trọng tâm. Vì vậy, việc thành lập Ngân hàng huyết thanh là điều kiện cần để HCDC phát triển, củng cố về năng lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như tăng cường sự hợp tác trong và ngoài nước. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu về kiểm soát dịch bệnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.
Đi vào hoạt động, Ngân hàng huyết thanh được trang bị cơ sở vật chất mới và hiện đại đảm bảo cung cấp khả năng lưu trữ lượng mẫu lớn từ 400.000 đến 450.000 mẫu huyết thanh. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cho công tác thu nhận, xử lý, lưu trữ và phân phối mẫu, nhất là đảm bảo an toàn trong suốt quá trình vận hành.
Theo PGS.TS Lê Văn Tấn - Oxford University Clinical Research Unit Viet Nam, từ lâu các nước trên thế giới đã tiến hành xây dựng ngân hàng huyết thanh và các chương trình điều tra dịch tễ huyết thanh học tương ứng.
Ví dụ tại Anh, ngân hàng huyết thanh được thành lập vào năm 1986. Đến nay đã thu nhận trên 200 ngàn mẫu huyết thanh từ người dân Anh ở các độ tuổi khác nhau. Thông qua đó các kết quả điều tra huyết thanh học đã cung cấp thông tin quan trọng cho việc phải tiêm vaccine bổ sung cho các nhóm dễ mắc bệnh ở Vương quốc Anh. Ngân hàng huyết thanh cũng đã được sử dụng nhằm đánh giá mức độ lây lan và miễn dịch cộng đồng của đại dịch cúm vào năm 2009 và gần nhất là đại dịch COVID-19 ở Anh. Các kết quả điều tra huyết thanh này là cơ sở khoa học nhằm góp phần định hướng chiến lược tiêm vaccine cũng như giãn cách xã hội phù hợp theo từng thời điểm khác nhau của đại dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, một số ngân hàng huyết thanh cũng đã được thành lập thông qua chương trình nghiên cứu điều tra dịch tễ của Bộ Y tế, Viện vệ sinh dịch tễ trung ương cũng như viện Pasteur TPHCM. Trọng tâm của các chương trình giám sát này có thể kể đến như HIV, Zika virus, viêm gan siêu vi B và C, cúm A H5N1.
"Thực tiễn cho thấy thiết lập một ngân hàng huyết thanh có tính đại diện cao cho toàn bộ người dân trong một khu vực, một thành phố là cần thiết cho phép khảo sát tình trạng miễn dịch cộng đồng với với các tác nhân gây bệnh, góp phần cung cấp những dữ liệu khoa học nhằm đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng, đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp, dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch, khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh", theo PGS.TS Lê Văn Tấn.