Tp Hồ Chí Minh: Diễn viên chạy show không kịp thở

(PLO) - Một nghệ sĩ kịch gạo cội chia sẻ, nhìn sâu khấu Tết và sau Tết sáng đèn, “cháy vé”, diễn viên chạy show không kịp thở… thấy rất vui 
”Tình duyên thuở trước”, một vở diễn cũ của sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn hút khách dịp sau Tết, 14/2 vừa qua.
”Tình duyên thuở trước”, một vở diễn cũ của sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn hút khách dịp sau Tết, 14/2 vừa qua.

Vào “mùa gặt hái”

Trong dịp Tết, các sân khấu kịch tại TP HCM công diễn 18 vở kịch mới, và điều đáng mừng là cả 18 vở kịch ấy đều liên tục “cháy vé”, đem về doanh thu lý tưởng cho các sân khấu. Dẫn đầu về doanh thu kịch thị trường phía Nam luôn phải kể đến Idecaf, với hàng loạt vở diễn mới tại 2 điểm diễn, 2 suất diễn một ngày, Idecaf đã bán hết vé ngay từ thời điểm trước Tết.

Đặc biệt, cả những sân khấu “mới toanh” như sân khấu Thế Giới Trẻ - Sài Gòn Phẳng, sân khấu kịch của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, sân khấu của NSƯT Quốc Thảo và nghệ sĩ Minh Nhí cũng đông kín người xem. Những sân khấu có “truyền thống” đông khách như Kịch Phú Nhuận của Nghệ sĩ Hồng Vân, Kịch Sài Gòn… cũng luôn kín rạp.

Nghệ sĩ Hồng Vân hồ hởi chia sẻ, đầu năm dường như kịch có dấu hiệu “khởi sắc”, khi hầu hết các vở diễn cũ, mới của sân khấu đều đông khách, vé thậm chí bán hết đến rằm tháng Giêng. Bên cạnh đó, kể cả kịch kinh dị, loại hình những Tết trước không được ưa chuộng, năm nay cũng có tình trạng… “cháy vé”.

Tiếp sau dịp Tết lại là 14/2, lễ Tình nhân, đây lại là một mùa “gặt hái” hiệu quả của các sân khấu, đặc biệt khi khai thác mảng kịch về đề tài tình yêu. Tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, các vở diễn cũ đã công diễn không ít lần như “Nửa đời ngơ ngác”, “Tình duyên thuở trước”… vẫn hút khách đến sân khấu. Từ trước 14/2 vài ngày, vé đã được bán hết sạch. Điều này khá “bất ngờ” so với các năm, nên có tình trạng, nhiều cặp đôi ung dung đến sân khấu để mua vé xem kịch dịp này và… ra về vì hết vé.

Thậm chí, Idecaf còn phải đưa hai vở diễn tình là “Tình yêu chạy trốn” và “Tơ duyên” ra nhà hát Bến Thành để đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả dịp này. Bên cạnh đó, vở diễn “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đã thành công trong dịp Tết nay vẫn tiếp tục được công diễn phục vụ khán giả, và vẫn đông khách như thường. Bên cạnh đó, Idecaf cũng đã có nhưng chiến lược mở rộng “độ phủ” của mình bằng cách liên kết với các đơn vị du lịch lữ hành để tổ chức những buổi diễn dành riêng cho du khách từ nơi khác đến TP HCM. Đó là một ý rất hay, có thể tăng doanh thu cho sân khấu và giúp du khách các nơi được tiếp cận với loại hình kịch nói phát triển mạnh, chất lượng cao tại TP HCM.

Hy vọng vào “cú hích”

Mới vào đầu năm, ngành sân khấu Sài Gòn lại nhận một tin mới mẻ, đó là việc nhóm Buffalo, nhóm hài trẻ nổi tiếng, quán quân một số game show truyền hình thực tế về hài gần đây đã chính thức nhận địa điểm Nhà hát Bến Thành làm sân khấu để nhóm dàn dựng các vở kịch mới. Sân khấu mới sẽ mang tên Bến Thành – Buffalo, là nơi để nhóm hài tài năng trẻ này dàn dựng những vở nhạc kịch – thể loại còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Buffalo cũng là nhóm nhạc kịch đầu tiên của TP HCM. Được biết, nhóm sẽ dàn dựng nhiều thể loại nhạc kịch, trong đó, nhạc kịch dành cho thiếu nhi sẽ được chú trọng hơn cả. Sự xuất hiện của Bến Thành – Buffalo hứa hẹn thổi một làn gió mới vào làng kịch Sài Gòn, ngay tại thời điểm khởi đầu của năm 2017.

Trong năm 2016, thị trường kịch Sài Gòn chứng kiến những nốt buồn khi các sân khấu sáng đèn le lói, lượng khán giả giảm từ 20- 40% so với các năm và diễn viên rồi bỏ sân khấu, bước vào những con đường đỡ chông gai và dễ kiếm tiền khác như đóng phim, quay MV ca nhạc hay tham gia gameshow.

Cạnh đó, là sự xuất hiện liên tục và thất bại liên tục của nhiều sân khấu nhỏ và lớn, như sân khấu tại quán café của nhóm X-Pro, kịch Family của diễn viên Gia Bảo, kịch Thuần Việt, kịch CTM… Chỉ trong  thời gian ngắn, nhiều xáo trộn cộng với tình hình ảm đạm, rất nhiều người trong nghề đã lo lắng cho ngành sân khấu kịch tại TP HCM.

Nhưng những nghệ sĩ yêu nghề vẫn quyết trụ đến cùng. Tết, chính là dịp để họ “thử lửa” lần nữa, dồn hết tâm huyết để ra mắt những vở diễn chất lượng. Và công sức, tình yêu nghề của các nghệ sĩ kịch chân chính đã được bù đắp.

Một nghệ sĩ kịch gạo cội chia sẻ, nhìn sâu khấu Tết và sau Tết sáng đèn, “cháy vé”, diễn viên chạy show không kịp thở… thấy rất vui và có động lực để tiếp tục đeo đuổi kịch nói. Tuy nhiên, cũng chưa nói trước được điều gì, vì hàng năm, có những thời điểm kịch lên cao trào rồi nhanh chóng “xuống dốc”. Tất cả phải chờ đến sau tháng 3, thời điểm thường ế ẩm hàng năm mới biết tình hình thật sự thế nào.

Nhưng dù sao đi nữa, những hoạt động sôi nổi của các sân khấu kịch thời gian qua cũng là một “cú hích” cho năm mới. Hy vọng, kịch nói Sài Gòn sẽ luôn được duy trì ổn định, giữ được chất và lượng của mình ở thời buổi giải trí chụp giật, thị trường lên ngôi.