TP Hồ Chí Minh: Mặt bằng cho thuê ế ẩm giữa mùa cao điểm

(PLVN) -  Thời điểm cuối năm, TP Hồ Chí Minh thường rộn ràng không khí mua sắm, giao dịch với các cửa hàng, quán xá thi nhau khai trương và đẩy mạnh kinh doanh. Thế nhưng năm nay, trái với kỳ vọng, hàng loạt mặt bằng tại các con đường lớn ở trung tâm thành phố vẫn treo biển “cho thuê”, thậm chí bỏ trống trong nhiều tháng, nhiều năm liền.
Một mặt bằng treo biển cho thuê đã lâu ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NM)

Vị trí đắc địa “phủ bụi” thời gian

Từng sở hữu một cửa hàng bán hàng đan lát thủ công trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai đông đúc, nhưng năm nay, người quen không thấy chị Huệ Anh quảng cáo địa chỉ cửa hàng vào dịp Tết nữa, thay vào đó là địa chỉ mới, một mặt bằng trong hẻm ở quận Bình Thạnh. Hỏi ra mới biết, chị đã trả mặt bằng từ dịp hè 2023 để chuyển cửa hàng về nhà riêng. Chị Huệ Anh cho biết: Giá thuê cửa hàng nhỏ hơn 10m2 này là hơn 60 triệu đồng/tháng do vị trí đắc địa. Trước kia, doanh thu của chị vẫn đảm bảo “gồng gánh” được giá mặt bằng, lợi nhuận cũng ổn. Tuy nhiên, từ hai năm nay, kinh tế ảm đạm, doanh thu giảm hơn 50%, chị quyết định bán thêm mùa Tết Giáp Thìn, sau đó trả mặt bằng để “cắt lỗ”, đồng thời chuyển cửa hàng về nhà và tập trung đẩy mạnh bán online. Theo chị Huệ Anh, dù chị đã trả gần 1 năm nhưng cửa hàng vẫn chưa cho thuê lại được, dù đến lúc này là thời gian cao điểm bán hàng Tết.

Ông Nguyễn Thành Công, chủ hai mặt bằng cho thuê ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1 cho biết, hiện ông chỉ có thuê được một mặt bằng cho thương hiệu trà sữa, còn mặt bằng có giá thuê trên trăm triệu bị trả từ hai năm nay vẫn để trống mà chưa có khách cho thuê. Khi được hỏi vì sao không giảm giá cho dễ có khách, ông Công cho biết, giảm giá ít thì “không thấm vào đâu”, còn giảm nhiều thì sợ phá giá, không quay lại được giá cũ và cũng sợ bất động sản bị giảm giá trị.

Có thể thấy, những năm gần đây, nhiều tuyến đường trung tâm ở TP Hồ Chí Minh, tình trạng mặt bằng bỏ trống ngày một nhiều. Ngay cả các tuyến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn - những con đường vốn được coi là “đất vàng” nay cũng vắng bóng người thuê. Các biển hiệu “cho thuê mặt bằng” mọc lên ngày càng nhiều và ngay cả những vị trí đắc địa cũng không thu hút được khách hàng.

Thay đổi để thích nghi với thời cuộc

Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến mặt bằng khó cho thuê là giá thuê quá cao, trong khi kinh tế hiện tại đang gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh đều lo ngại về sức mua giảm sút, không dám mạo hiểm đầu tư lớn vào mặt bằng khi lợi nhuận chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch sang kinh doanh online đang ngày càng rõ nét. Nhiều người kinh doanh nhận ra rằng việc bán hàng trực tuyến tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với mở cửa hàng. Không phải trả tiền thuê mặt bằng, chi phí nhân viên hay điện nước, họ có thể tập trung vào chất lượng sản phẩm và quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến. Người tiêu dùng hiện nay cũng có xu hướng ưa chuộng mua sắm online.

Ngoài ra, các thương hiệu lớn cũng đang chuyển hướng sang trung tâm thương mại. Không gian hiện đại, tiện nghi và lượng khách ổn định tại các trung tâm thương mại giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hình ảnh và doanh thu, thay vì đầu tư vào những mặt bằng riêng lẻ, trong khi các trung tâm thương mại cũng là điểm đến yêu thích của người tiêu dùng vì có thể tận hưởng nhiều chức năng như thư giãn, giải trí... bên cạnh mua sắm.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là sức “nóng” của mặt bằng cho thuê đã hết. Nhu cầu thực tế vẫn còn rất nhiều, nhưng chính tình trạng giá cả nhiều nơi đắt đỏ đến vô lý đã kìm hãm người kinh doanh, đặc biệt là người khởi nghiệp. Tình trạng mặt bằng bỏ trống không chỉ khiến chủ nhà mất đi nguồn thu nhập ổn định, mà còn tạo cảm giác kinh tế đình trệ và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Những con đường từng nhộn nhịp người qua lại nay trở nên vắng vẻ, lạnh lẽo với những biển hiệu “cho thuê” phủ bụi.

Đã đến lúc cả người kinh doanh và chủ nhà cần nhìn nhận lại thực tế thị trường. Các chủ nhà nên cân nhắc giảm giá thuê hoặc đưa ra chính sách linh hoạt hơn để thu hút khách hàng. Người kinh doanh cũng cần tìm kiếm mô hình kết hợp giữa online và offline để tối ưu hóa lợi nhuận. Trong bối cảnh kinh tế thay đổi nhanh chóng, thích nghi với xu hướng mới không chỉ là “chìa khóa” để tồn tại, mà còn là con đường duy nhất để phát triển bền vững.

Đọc thêm