TP.Cần Thơ: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong công tác bồi thường nhà nước

(PLVN) - Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước tại thành phố Cần Thơ thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo PLVN có cuộc trao đổi với ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Cần Thơ.
Ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Cần Thơ
Ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Cần Thơ

-Ông đánh giá như thế nào về tình hình triển khai Luật TNBTCNN năm 2017 trên địa bàn thành phố thời gian qua?

Trên cơ sở Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ đã tích cực, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tiến hành các giải pháp để tổ chức triển khai thi hành đồng bộ, toàn diện và hiệu quả Luật TNBTCNN trên địa bàn thành phố.

Trong hơn 05 năm qua, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 13/10/2017 về việc triển khai thi hành Luật TNBTCNN, làm cơ sở cho việc triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, trong đó đặt trọng tâm tiếp cận, triển khai thi hành Luật TNBTCNN theo phương châm phòng ngừa phát sinh sai phạm trong thi hành công vụ là chính. Theo đó, đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhằm hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra dẫn đến trách nhiệm bồi thường của NN.

Hằng năm, bám sát theo nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường nhà nước. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ở địa phương tùy vào tình hình thực tế của mình để ban hành kế hoạch riêng hoặc lồng ghép nhiệm vụ về bồi thường nhà nước vào kế hoạch công tác năm của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, UBND thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan giải quyết bồi thường phải nghiêm túc, khẩn trương thực hiện giải quyết bồi thường theo đúng trình tự theo Luật TNBTCNN và tiến hành rà soát, khẩn trương tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước đã được thụ lý theo Luật TNBTCNN theo nhiệm vụ“khẩn trương xem xét, thụ lý, giải quyết kịp thời các yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật TNBTCNN” tại Nghị quyết 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội khóa XIV về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn người bị thiệt hại, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước được Sở Tư pháp chủ trì, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc phối hợp trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước giữa các cơ quan tại địa phương trên địa bàn thành phố đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước, ngày 22/9/2022 UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3483/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn thành phố. Từ đó, công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ BTNN cơ bản được thực hiện kịp thời, ý thức trách nhiệm của các cơ quan có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước được nâng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, xác định đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ là một nội dung quan trọng trong công tác bồi thường nhà nước, thành phố luôn quan tâm, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước cho đội ngũ được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại các cơ quan quản lý hành chính, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan tố tụng trên địa bàn thành phố.

-Từ thực tiễn đó, thành phố có rút ra những kinh nghiệm/sáng kiến gì và nguyên nhân đạt được những kết quả?

Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước tại thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực như trên là do được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố, sự tích cực, chủ động trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước của Sở Tư pháp và đặc biệt là hướng dẫn kịp thời, sát sao của Bộ Tư pháp (mà trực tiếp là Cục BTNN).

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 3483/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2022 ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Quy chế phối hợp này được ban hành trước khi có chỉ đạo của Cục Bồi thường nhà nước. Qua đó, công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp (cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về bồi thường) với các cơ quan, đơn vị có liên quan đã có những chuyển biến tích cực, thông tin về tình hình giải quyết yêu cầu bồi thường được thông tin chủ động, kịp thời; chế độ thông tin, báo cáo được thực hiện đảm bảo, kịp thời theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Chính phủ; góp phần nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn thành phố.

-Thi hành Luật TNBTCNN trong cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đạt nhiều kết quả nhưng cũng còn những khó khăn, vậy thành phố có đề xuất giải pháp gì để công tác này hiệu quả?

Để công tác bồi thường nhà nước của thành phố khắc phục được những hạn chế và đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị sau:

- Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác bồi thường nhà nước. Qua đó, giải đáp và hướng dẫn gải quyết một số tình huống yêu cầu bồi thường cụ thể cho địa phương, công chức trực tiếp thực hiện công tác này.

- Các cơ quan chức năng quan tâm, xem xét, bố trí biên chế thực hiện nhiệm vụ bồi thường nhà nước nhằm ổn định đội ngũ công chức được giao tham mưu thực hiện công tác BTNN.

- Các cơ quan, ban ngành tăng cường hơn công tác theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong thực hiện Luật TNBTCNN; tiếp tục thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Chính phủ.

-Xin cám ơn ông!

Đọc thêm