Nhằm đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động trên địa bàn, hiện TP.HCM đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, UBND TP.HCM đề nghị Công an Thành phố phối hợp với BHXH Thành phố để thực hiện xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một số đơn vị chậm đóng bảo hiểm hoặc yêu cầu các doanh nghiệp chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền các loại bảo hiểm nói trên theo đúng tiến độ.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, không được né tránh.
Thành phố cũng yêu cầu Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố phối hợp cung cấp thông tin về lao động, việc làm cho cơ quan BHXH để quản lý việc đóng bảo hiểm và giải quyết chi trả các chế độ bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trên địa bàn Thành phố, tránh các tranh chấp gây mất an ninh trật tự.
UBND Thành phố cũng đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố thông báo tình hình chậm đóng của doanh nghiệp cho công đoàn cơ sở của doanh nghiệp để thông tin lại cho người lao động được biết và có biện pháp tác động để doanh nghiệp nộp kịp thời, không để tình trạng chậm đóng bảo hiểm quá lâu và quá lớn dẫn đến hậu quả không thể khắc phục được.
Đối với cơ quan BHXH Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu phải chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng số doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố là hơn 82 ngàn đơn vị với số tiền hơn 6,2 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,3% so với kế hoạch thu bảo hiểm của toàn Thành phố. Trong số đó, có hơn 40 ngàn đơn vị chậm đóng dưới 3 tháng (với số tiền chậm đóng là hơn 1,6 ngàn tỷ đồng), hơn 7 ngàn đơn vị chậm đóng từ 3 đến dưới 6 tháng với số tiền hơn 400 tỷ đồng, hơn ngàn ngàn đơn vị chậm đóng từ 6 tháng đến dưới 12 tháng với số tiền gần 600 tỷ đồng. Đặc biệt có gần 30 ngàn đơn vị đã chậm đóng từ 12 tháng trở lên với số tiền lên đến hơn 3,3 ngàn tỷ đồng.
Được biết, tình trạng nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp thời gian gần đây diễn ra khắp nơi trên địa bàn cả nước với số tiền lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó TP.HCM có lượng lớn doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ bảo hiểm như đã nói ở trên. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do sau đại dịch Covid-19 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp đành phải cắt giảm chi tiêu từ giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc, giảm lương và có cả việc nợ tiền bảo hiểm. Hậu quả là tranh chấp về lao động diễn ra thường xuyên với quy mô tính chất có phần phức tạp hơn.