TPHCM sáp nhập 3 Ban Quản lý Đầu tư - xây dựng

(PLO) - Ban Quản lý (BQL) Đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, BQL Đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới nam thành phố, BQL Đầu tư - xây dựng Khu đô thị tây bắc thành phố được sáp nhập thành BQL Phát triển đô thị Thành phố HCM.
TPHCM sáp nhập 3 Ban Quản lý Đầu tư - xây dựng

Văn phòng UBND TPHCM cho biết, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chấp thuận sáp nhập BQL Đầu tư-xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, BQL Đầu tư-xây dựng Khu đô thị mới nam thành phố, BQL Đầu tư-xây dựng Khu đô thị tây bắc thành phố được sáp nhập thành BQL Phát triển đô thị thành phố. BQL Phát triển đô thị thành phố là cơ quan hành chính trực thuộc UBND TPHCM.

UBND Thành phố giao BQL Đầu tư-xây dựng Khu đô thị mới nam thành phố chủ trì, phối hợp với BQL Đầu tư-xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, BQL Đầu tư-xây dựng Khu đô thị tây bắc thành phố và các cơ quan có liên quan tham mưu UBND Thành phố sơ kết thí điểm thành lập BQL Đầu tư-xây dựng khu đô thị theo mô hình cơ quan hành chính trong quý III này.

Sở Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên, hoàn chỉnh dự thảo đề án trình Ban Thường vụ Thành ủy trong thời gian sớm nhất.

Hiện nay TPHCM có 44 BQL đầu tư xây dựng, trong đó 9 ban thuộc UBND Thành phố quản lý, 11 BQL thuộc 8 sở ngành, đơn vị và 24 BQL đầu tư-xây dựng công trình tại các quận, huyện. Các BQL này đang quản lý hơn 3.000 dự án với tổng số tiền hơn 323.000 tỷ đồng.

BQL dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2), Ban Vệ sinh môi trường trực thuộc Sở GTVT được sáp nhập vào BQL Đầu tư - xây dựng công trình giao thông - đô thị và giao Sở GTVT quản lý.Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ lập BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND TPHCM trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của các khu quản lý giao thông đô thị, khu quản lý đường thủy nội địa, thuộc Sở GTVT.

BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thuộc UBND TPHCM cũng được thành lập trên cơ sở hợp nhất các BQL đầu tư xây dựng các công trình của các Sở: Y tế, LĐTB&XH, GD&ĐT, Văn hóa - Thể thao, giao Sở Xây dựng quản lý.

BQL Đường sắt đô thị được giữ nguyên. BQL dự án Đầu tư - xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, BQL các dự án Đầu tư-xây dựng Khu công nghệ cao trực thuộc BQL Khu công nghệ cao. Còn Trung tâm Khai thác hạ tầng trực thuộc BQL Khu nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay.

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM được điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, Trung tâm này cũng được tổ chức lại thành BQL dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và giao Sở GTVT quản lý.

Với mô hình dự kiến sắp xếp như trên, TPHCM sẽ giảm 11 đầu mối (gồm 2 ban thuộc UBND Thành phố và 9 ban thuộc sở, ban ngành)

Đọc thêm