Đó là đánh giá của UBND TP.HCM trong báo cáo tổng kết 10 năm thi hành pháp lệnh phòng, chống mại dâm gửi Bộ LĐ-TB-XH, ngày 15.9.
Theo báo cáo, hoạt động mại dâm diễn ra không chỉ bằng hành vi giao cấu giữa kẻ mua và người bán tại khách sạn hoặc một số nhà hàng, vũ trường, karaoke mà phổ biến là các hành vi khiêu dâm, kích dục tại các điểm kinh doanh cà phê, tiệm hớt tóc, gội đầu, xông hơi, cạo gió, giác hơi, spa...
Gần đây, thành phố tiếp tục xuất hiện một số đường dây mại dâm "gái gọi hạng sang" với những người xưng danh là diễn viên, người mẫu tham gia bán dâm với giá hàng nghìn USD, đồng thời hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính nam, mại dâm có yếu tố nước ngoài và xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm ngày càng gia tăng. Cá biệt, tại một số cơ sở spa có biểu hiện hoạt động mại dâm đồng tính của giới "gay".
Hiện tượng chào hàng, môi giới mại dâm trên mạng internet, giao dịch qua điện thoại di động diễn ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Hoạt động mại dâm ở một số công viên, tuyến đường, nơi công cộng nay có chiều hướng công khai và đa dạng hơn như sử dụng xe máy di chuyển trên đường mời chào khách đi mua dâm.
Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2013, TP.HCM có 58 điểm, tụ điểm, tuyến đường có phát sinh tệ nạn mại dâm. Qua kết quả khảo sát, điều tra thống kê, trên địa bàn có khoảng 15.200 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội với hơn 17.600 tiếp viên nữ làm việc tại các cơ sở này. Trong đó, số người nghi bán dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ khoảng 5.500 người và số người nghi bán dâm ở nơi công cộng là 200 người…
TP.HCM kiến nghị Trung ương bổ sung quy định xử lý đối với các hành vi mại dâm nam, đồng tính; chứa chấp, sử dụng phương thức khiêu dâm, kích dục tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; ban hành chính sách, chế độ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương…