'Trả' quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường: Một trong những giải pháp giảm cạnh tranh không lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên và nhận góp ý đến ngày 20/12/2023.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021. (Ảnh minh họa - Nguồn: PV)
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021. (Ảnh minh họa - Nguồn: PV)

Tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục

Theo đó, năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới bắt đầu từ lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao cho các trường lựa chọn SGK. Một năm sau đó, quyền lựa chọn SGK mới lại thuộc về các tỉnh, thành phố. Bộ GD&ĐT hướng dẫn, mỗi tỉnh, thành phố thành lập một hội đồng lựa chọn sách phù hợp tình hình địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều giáo viên, chuyên gia trong ngành Giáo dục đã có ý kiến cho rằng, giao quyền chọn sách cho tỉnh, thành phố dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau. Hơn nữa, nhiều hoài nghi về sự không công bằng khi các nhà xuất bản có thể dễ dàng thực hiện “lợi ích nhóm” với các địa phương để chọn bộ sách.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy từng có ý kiến rằng, cách chọn sách hiện nay thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên - bắt nguồn từ Thông tư 25 về hướng dẫn chọn sách của Bộ GD&ĐT. Theo thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, UBND cấp tỉnh, thành phố thành lập hội đồng chọn SGK.

Do đó, một trong những điểm mới tại dự thảo là các quy định hướng tới tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục trong lựa chọn SGK. Cụ thể, hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập. Mỗi cơ sở thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.

Trong dự thảo lần này, hội đồng lựa chọn SGK không chỉ có người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên mà còn có cả ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục và giáo viên đồng tình với dự kiến trả lại quyền chọn sách cho giáo viên, nhà trường. Bởi hơn ai hết, giáo viên là người đứng lớp dạy học sẽ hiểu sách nào hay, phù hợp. Đồng thời việc này giảm thiểu được cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản, bảo đảm việc chọn sách khách quan, minh bạch hơn trước đây.

Trong Nghị quyết giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, quy định lựa chọn SGK phổ thông tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương, thậm chí tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu SGK nhiều, nhất là ở cấp tiểu học nên giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Nhiều tỉnh chậm phê duyệt kết quả lựa chọn SGK, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng sách cho năm học mới.

Đoàn giám sát đã đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ SGK cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không. Sự cần thiết sửa đổi quy định để thực hiện thống nhất việc lựa chọn SGK và giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn SGK, hướng tới để quyền lựa chọn SGK là của học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Có cần thêm một bộ SGK Nhà nước?

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ, việc trao quyền lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục phổ thông là hợp lý. Ở cơ sở giáo dục phổ thông thì giáo viên trực tiếp giảng dạy là quan trọng nhất. Họ đọc nhiều SGK của môn mình dạy, thảo luận trong tổ bộ môn để tìm ra SGK nào là phù hợp nhất với học sinh của trường.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cũng băn khoăn, các cơ sở giáo dục nhiều năm nay đã sử dụng SGK lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 khá ổn định. Do đó, cần làm rõ nếu Bộ GD&ĐT ban hành thông tư mới về việc lựa chọn SGK thì các cơ sở giáo dục có phải tổ chức lựa chọn lại SGK đang sử dụng theo quy định mới không? Còn SGK các lớp 5, 9, 12 chưa được Bộ GD&ĐT phê duyệt và đến năm học 2024 - 2025 mới triển khai thực hiện. Sắp tới, khi có danh sách ­­SGK các lớp 5, 9, 12 được phê duyệt và nếu thông tư quy định về lựa SGK mới ra đời, thì các cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn theo quy định mới...

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021. Điểm khác biệt lớn nhất của đổi mới SGK lần này là việc SGK được biên soạn xuất bản theo chủ trương một chương trình nhiều SGK nhằm xóa bỏ độc quyền xuất bản SGK trước đây. Đây được đánh giá là chủ trương đúng đắn. Đến nay chương trình đã đi gần hết chu kỳ đầu tiên ở các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Còn SGK của ba năm cuối mỗi cấp 5, 9, 12 sẽ thực hiện vào năm 2024. Năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình, SGK mới sẽ là năm 2025.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát về đổi mới chương trình, SGK. Từ kết quả giám sát, đoàn kiến nghị, nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK thì điều đó vừa gây lãng phí vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Chưa kể, số tiền các doanh nghiệp bỏ vào để làm SGK cũng phải trên 1.200 tỷ đồng. Bà Thúy băn khoăn về việc có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ SGK nữa hay không? Việc ra đời một bộ SGK có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xoá bỏ xã hội hoá đang thực hiện…

Bà Thúy cho rằng, việc quyết định giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi này. Vì vậy, bà Thúy đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK trước khi quyết định. Nên chăng để thực hiện hết 1 chu kỳ, nghĩa là sau năm học 2024 - 2025 để tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình SGK, lúc đó có điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn là thời điểm này…

Đọc thêm