Trách nhiệm xã hội là điều không thể thiếu trong hoạt động báo chí

(PLVN) - Bất cứ ngành nghề nào trong xã hội đều có vị trí và vai trò riêng, song hành theo đó là trách nhiệm mà những người hành nghề phải gánh vác. Nghề báo cũng vậy. Báo chí với vai trò và vị trí đặc biệt, có trách nhiệm vô cùng lớn lao trong việc thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đi sâu vào tư tưởng, đời sống, thực hiện giám sát, phản biện xã hội.
Báo PLVN tiếp sức Bắc Giang chống dịch COVID-19.
Báo PLVN tiếp sức Bắc Giang chống dịch COVID-19.

Khi cây đời mãi mãi xanh tươi

Báo chí là “cầu nối” giữa người dân và các cơ quan quản lý nhà nước; là một kênh quan trọng để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận xã hội. Tất cả những thông tin đều nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương cũng như truyền thống đạo đức, nghĩa cử giữa con người với con người.

Nghề báo là một nghề tổng hòa kiến thức của nhiều ngành nghề, của nhiều mối quan hệ xã hội, vì vậy người làm báo phải có tâm và có tầm để xác định được thông tin nào cần cho xã hội, cho sự tiến bộ, sự vững mạnh của tập thể, của quốc gia dân tộc.

Khi nói đến trách nhiệm của báo chí, đầu tiên đó là trách nhiệm thông tin. Thông tin được báo chí truyền tải phải là những thông tin chính thống, khách quan, đa chiều có tính định hướng đúng đắn, hướng đến những điều tốt đẹp. Kể cả những thông tin mang tính chất đấu tranh, phê bình cũng phải hướng đến sự cải thiện, tiến bộ, chứ không chỉ phơi bày và bỏ mặc cho dư luận suy diễn. Bởi, khi gam màu tối được tô đậm thì những gam màu tươi sáng chắc chắn sẽ mờ nhạt hơn. Như vậy, vô tình khiến một bộ phận người dân lầm tưởng rằng xã hội ngày càng xấu đi và chán nản với cuộc sống quá nhiều điều xấu. Thật ra, cái tốt trong xã hội này hiện hữu rất nhiều, nhưng làm sao để nó nổi bật, để trở thành gương điển hình thì rất cần những ngòi bút sắc sảo của báo chí. Người làm báo cũng nên nhìn nhận rằng, những thông tin tích cực, ghi nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống nếu đủ đầy, đủ sắc nét thì độc giả có thể thậm chí quan tâm và yêu thích hơn những thông tin gây sốc, tiêu cực.

Vì vậy, người làm báo bên cạnh thực hiện sứ mệnh thông tin thì phải biết cách cân bằng thông tin.

TS. Đào Văn Hội. (Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam)

TS. Đào Văn Hội.

(Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam)

Ấm lòng những sẻ chia, lan tỏa

Báo Pháp luật Việt Nam với đặc thù là một cơ quan báo của ngành Tư pháp, những thông tin truyền tải đến bạn đọc hầu hết đều được thể hiện qua lăng kính pháp luật. Các thông tin này cơ bản luôn có sự khô khan, khó dung nạp hơn các thông tin văn hóa - giải trí, đời sống. Tuy nhiên, những năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam liên tục đổi mới tư duy từ cách làm báo, cách truyền đạt, biểu dương những tấm gương, những điển hình tiên tiến trong ngành Tư pháp và đời sống, kinh tế, xã hội. Thực tiễn qua các cuộc thi: “Gương sáng Tư pháp”; “Doanh nghiệp doanh nhân thượng tôn pháp luật” và những chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” hướng tới biên giới, hải đảo và những vùng khó khăn, thiếu thốn điều kiện tiếp cận thông tin. Qua đó, Báo đã phát hiện và tôn vinh những con người sống và làm việc theo pháp luật, từ những điều bình dị đến phi thường đã đóng góp không nhỏ vào sự tiến bộ xã hội.

Năm 2021 Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phát động chương trình vinh danh “Gương sáng Pháp luật” để tìm kiếm, lựa chọn và tôn vinh các cá nhân, tập thể có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ pháp luật.

Trách nhiệm xã hội của người làm báo không chỉ ở trên mặt trận thông tin mà còn trách nhiệm với cộng đồng từ sự sẻ chia. Bởi, nếu trách nhiệm của người làm báo mà chỉ đóng khung trong hai từ “trách nhiệm” thì chưa thật sự vẹn tròn, chưa tới cái cốt lõi của nó. Trách nhiệm là một loại năng lượng cần phải cho đi, cần phải có sự “chia sẻ”. Đó mới là cái lõi của “trách nhiệm”.

Vậy sẻ chia là gì? Sẻ chia là một dạng tình cảm xuất phát từ trái tim, sự đồng cảm và tình yêu thương được thể hiện khi ta biết quan tâm, lo lắng và giúp đỡ những người xung quanh. Nói cách khác, chia sẻ chính là cho đi mà không mong được nhận lại.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát gây nên những tổn thất cho kinh tế, xáo trộn trong đời sống, sinh hoạt của tất thảy mọi người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nếu như các y, bác sĩ xuất hiện trong tuyến đầu chống dịch thì báo chí cũng là mũi tiên phong trong “mặt trận” tuyên truyền phổ biến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Những thông tin thời sự, những tuyến bài hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh và cả những thông tin tăng cường đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên các trang mạng xã hội, lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội đã góp phần đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận: “Qua dịch COVID-19 đã thể hiện niềm tin của xã hội vào báo chí tăng lên nhiều. Mỗi ngày, có tới 20-30 triệu lượt người đọc báo chí với hàng ngàn tin, bài về dịch bệnh. Báo chí giữ vai trò chủ đạo trong thông tin về dịch Covid-19 và điều tiết mạng xã hội dù số người đọc mạng xã hội nhiều hơn báo chí”.

Trong sự xáo trộn của đại dịch, báo chí không nằm ngoài cuộc của những tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế báo chí, đời sống người lao động trong ngành. Nhưng với trách nhiệm của mình, báo chí vẫn phải giữ vững tâm thế, đóng vai trò là mũi nhọn tiên phong trong công tác phòng chống dịch bệnh, giữ vững tinh thần kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Không chỉ vậy, báo chí vẫn là cầu nối, là nơi tập kết những tình cảm, vật phẩm của các cá nhân, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ cứu trợ cho các vùng dịch, vùng bị giãn cách xã hội.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm xã hội, từ những ngày dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt quyên góp, kêu gọi sự chia sẻ từ chính những người làm báo Pháp luật Việt Nam. Ngay trong đợt khởi phát làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, trọng điểm ở 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, Báo Pháp luật Việt Nam đã quyên góp và kêu gọi các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm cùng chung tay, góp sức để có những vật phẩm hữu ích như khẩu trang, nước rửa tay, đồ bảo hộ, thuốc men, lương thực phẩm và cả những khoản tiền chắt chiu trong đơn vị sự nghiệp để cứu trợ cho người dân tại các vùng dịch bệnh đang hoành hành. Chỉ tính riêng tại tỉnh Bắc Giang, Báo Pháp luật Việt Nam đã cứu trợ hơn 2 tỷ đồng vật phẩm và tiền mặt để giúp người dân vượt qua khó khăn.

Báo Pháp luật Việt Nam - từ truyền thống đến đa phương tiện

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã thấm sâu vào từng ngóc ngách đời sống xã hội, chi phối và thay đổi diện mạo tạo nên những thách thức mới cho báo chí. Sự lên ngôi của mạng xã hội đã tạo ra những biến chuyển trong cách tiếp nhận thông tin của công chúng. Những kênh thông tin phi truyền thống đã tận dụng nền tảng công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều đã chiếm hữu tâm trí công chúng bằng thông tin.

Một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để trở thành những KOLs (Key Opinion Leaders, tức là người có ảnh hưởng) thu hút được sự quan tâm của công chúng. Đôi khi những cá nhân này thông tin theo quan điểm và góc nhìn riêng để truyền tải thông tin đến cộng đồng, bao gồm cả thông tin tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều thông tin được truyền tải qua góc nhìn cá nhân, có lúc hạn hữu, không quan tâm đến kết quả và bỏ mặc trách nhiệm của một “người đưa tin”. Họ có thể đưa ra một “cái bánh ngọt” có mùi vị hấp dẫn để nhận được sự tán dương, sự ca tụng và đạt được sự ảnh hưởng, chi phối, thậm chí là thao túng tâm lý đám đông. Những câu chuyện cũ có thể được đào xới và thêm chút gia vị liên tưởng, nghi vấn rồi bỏ mặc “cái bánh” đó cho dư luận “cắn xé”.

Tất nhiên đó là quan điểm cá nhân trên mạng xã hội trên bình diện tự do thông tin, nhưng đối với báo chí đó lại là một thách thức mới trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Báo chí có một vị trí và vai trò đặc biệt trong dòng chảy thông tin, vậy nên báo chí không nên chạy theo dư luận, chạy theo mạng xã hội. Báo chí phải vượt lên trên mạng xã hội, bằng chất lượng trong mỗi sản phẩm được đưa cho công chúng. Cái chất báo chí ấy, là tính độc lập, công bằng và khách quan, mà hầu hết các nội dung cá nhân trên mạng xã hội không có.

Với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, tất nhiên công chúng sẽ đặt ra kỳ vọng là báo chí phải nhanh hơn nữa, nhưng người làm báo cần phải đúng và đa chiều. Nếu chậm hơn mạng xã hội, nhưng đưa ra được nội dung đầy đủ, chính xác, khách quan và đa chiều, có tác dụng phản ánh chân thực nhất các vấn đề, hiện tượng và định hướng dư luận bằng sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm báo chí thì giá trị của báo chí vẫn cực kỳ mạnh mẽ. Vì vậy, trước mọi vấn đề gây tranh cãi, báo chí hãy chậm một nhịp, cố gắng nghiên cứu, điều tra, tìm thêm các tài liệu, bằng chứng, thực tế khách quan khác nữa, để sản phẩm báo chí khi ra đời không phải là một sự hối tiếc.

Pháp luật Việt Nam được biết đến là một cơ quan báo in được xuất bản hàng ngày và những ấn phẩm chuyên biệt ghi dấu trong lòng bạn đọc khắp cả nước nhiều năm, tuy nhiên, trước sự thay đổi xu hướng tiếp nhận thông tin, để đáp ứng kỳ vọng của bạn đọc, Pháp luật Việt Nam đã xoay chuyển từ một cơ quan báo in truyền thống sang một cơ quan báo chí đa phương tiện. Việc chuyển đổi không chỉ trên giao diện, hình thức mà từ ngay cách tư duy làm báo cũng đã thay đổi. Ở Pháp luật Việt Nam hiện không chỉ có các ấn phẩm điện tử có nội dung chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng độc giả mà còn phổ biến thông tin trên các giao thức mạng xã hội. Những thông tin mới, có ý nghĩa được truyền tải qua những ứng dụng, những mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Tiktok... thậm chí, Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho sự hoạt động của một mạng xã hội của Báo Pháp luật Việt Nam: Mạng xã hội. Cộng đồng Pháp luật.vn, những trải nghiệm thông tin thiết thực, ý nghĩa cho đời sống.

Đó là cách mà những người làm báo Pháp luật Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội trong sự nghiệp báo chí cách mạng xây dựng và bảo vệ sự công bằng xã hội, góp một phần truyền cảm hứng thượng tôn pháp luật giương cao ngọn cờ “Vì Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Đọc thêm