Nên “một mối” trong tiếp nhận, quản lý Quỹ
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, kiêm Giám đốc Ban Quản lý “Quỹ vắc xin phòng COVID-19” - cho hay, thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang kêu gọi toàn dân ủng hộ hoạt động phòng, chống dịch nhưng mỗi nơi kêu gọi mỗi khác. Có nơi kêu gọi “Chung tay phòng, chống COVID-19” nơi thì “Ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”,… với phạm vi kêu gọi rộng, hẹp khác nhau.
“Theo tôi biết, có nơi người ta kêu gọi để hỗ trợ hậu cần, vật tư y tế… cho các đối tượng phải cách ly tập trung, lực lượng ở tuyến đầu chống dịch như công an, quân đội, nhân viên y tế. Có nơi thì chỉ kêu gọi để hỗ trợ cho Quỹ vắc xin ở địa phương đó. Tuy nhiên, quan điểm chung thống nhất hiện nay “Quỹ vắc xin phòng COVID-19” do Chính phủ thành lập ngày 26/5/2021 tại Quyết định 779/QĐ-TTg là để: mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.
Ở Long An cũng lập một Quỹ với tên gọi và nhiệm vụ như Quỹ do Chính phủ mới thành lập, cái khác là Quỹ này của địa phương đó thôi. Chúng tôi cũng đã kịp thời báo cáo vấn đề này lên Bộ Tài chính”, ông Vinh nói.
"Nếu cứ để các tỉnh, thành chủ động huy động thì tỉnh có điều kiện sẽ như thế nào, tỉnh nghèo sẽ như thế nào? Trong khi vắc xin thì người dân ở đâu cũng cần phải tiêm", ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc "Quỹ vắc xin phòng COVID-19"
* Quan điểm của Ban Quản lý “Quỹ vắc xin phòng COVID-19” về thực tế huy động nguồn lực tại một số địa phương trong thời gian gần đây, thưa ông?
Quan điểm của chúng tôi và các cơ tham mưu ở Bộ Tài chính là các địa phương không thành lập Quỹ vắc xin riêng mà tập trung vào Quỹ vắc xin chung do Chính phủ thành lập.
Chính phủ từng khẳng định “chống dịch như chống giặc” cho nên toàn dân, toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc là rất đúng đắn. Việc các tỉnh, thành kêu gọi người dân, tổ chức, doanh ngiệp đóng góp từ nhân lực, vật lực, tài lực vẫn là cần thiết nhưng riêng phần kêu gọi ủng hộ cho “Quỹ vắc xin phòng COVID-19” thì chỉ nên về một đầu mối ở Bộ Tài chính để tập trung nguồn lực. Các địa phương nên hướng dẫn những tổ chức, cá nhân ủng hộ theo cách chuyển khoản về các số tài khoản mà Quỹ do Bộ Tài chính làm đầu mối.
Việc tập trung một mối như vậy sẽ giúp thực hiện đúng mục tiêu tiêm phòng vắc xin miễn phí cho toàn dân một cách công bằng, không phân biệt giàu nghèo, vị trí xã hội. Nếu bây giờ cứ để cho các tỉnh, thành chủ động thì tỉnh có điều kiện sẽ như thế nào, tỉnh nghèo ít có điều kiện hơn sẽ như thế nào? Trong khi vắc xin thì người dân ở đâu cũng cần phải tiêm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Vì thế, cần tập trung một mối để trung ương điều phối, phân bổ hợp lý, kịp thời cho các địa phương trong cả nước.
|
Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã lập Quỹ vắc xin ở địa phương. |
* Các con số thống kê liên quan đến “Quỹ vắc xin phòng COVID-19” đến thời điểm này cụ thể như thế nào?
Từ ngày công bố các số tài khoản tiếp nhận cho Quỹ đến nay, mỗi ngày có bình quân trên 12.000 lượt tổ chức, cá nhân chuyển tiền ủng hộ. Đến thời điểm này, Quỹ đã nhận được số tiền 7.450 tỷ đồng, và vẫn còn 578 tỷ đồng do các tổ chức, đơn vị đã cam kết nhưng chưa chuyển về Quỹ, trong đó có một số tổng công ty, tập đoàn lớn.
Phía Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã chuyển kịp thời về Quỹ; đồng thời vừa có công văn cho biết, tới đây, họ sẽ chuyển về Quỹ 1 lần/tuần.
Tiền nhàn rỗi có thể gửi ngân hàng
PV: Việc chi dùng từ nguồn quỹ này đã bắt đầu chưa, thưa ông?
Việc mua vắc xin tiêm miễn phí cho toàn dân hiện nay được xác định là dùng một phần từ “Quỹ vắc xin phòng COVID-19” và một phần được bố trí từ ngân sách trung ương. Cụ thể, hiện ngân sách trung ương đã bố trí hơn 13.000 tỷ đồng/25.000 tỷ đồng. Số còn thiếu đang kêu gọi đóng góp. Theo tính toán của Bộ Y tế, nguồn lực của năm nay như vậy là đủ để tiêm đủ 2 mũi cho 70% người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm này, chúng tôi chưa chi một đồng nào từ Quỹ này. Bởi số vắc xin mua trước đây thì đã dùng ngân sách rồi, còn số mua mới thì chưa triển khai xong nên chưa có hồ sơ để xuất quỹ. Phương án mà Bộ Tài chính đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là xuất quỹ theo nguyên tắc trước mắt dùng 50% từ dự toán ngân sách nhà nước và 50% là từ Quỹ này.
|
Những tổ chức, doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ đều nhận được Chứng nhận của Bộ Tài chính |
* Trong thời gian chưa xuất quỹ mua vắc xin, nguồn tiền nhàn rỗi trong đó được quản lý ra sao, thưa ông?
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc thành lập “Quỹ vắc xin phòng COVID-19”, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính “Quỹ vắc xin phòng COVID-19”, trong đó có quy định Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ, nhưng với yêu cầu là phải đảm bảo an toàn.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Sau khi có Quyết định thành lập “Quỹ vắc xin phòng COVID-19”, Bộ Tài chính đã thành lập Ban quản lý Quỹ này với 8 thành viên là lãnh đạo của một số Cục nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước. Ban Quản lý Quỹ được phép sử dụng con dấu và bộ máy của Kho bạc Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ được giao.