Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, Bến cảng Nhà Rồng - Bảo Tàng Hồ Chí Minh có nguồn gốc lịch sử khá lâu đời. Đầu tiên đây là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng từ giữa nǎm 1862, đến cuối nǎm 1863 thì hoàn thành với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trǎng theo mô típ “lưỡng long chầu nguyệt”, một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam. Chính kiến trúc độc đáo này đã gắn cho công trình cái tên Nhà Rồng và bến cảng mang tên Bến cảng Nhà Rồng quen thuộc đến ngày nay.
|
Bến cảng Nhà Rồng |
Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã lên con tàu buôn Pháp ra hải ngoại tìm con đường cứu nước. Chuyến đi ấy đã đánh dấu bước chuyển mình của một tư tưởng lớn, sự ra đời của một nhà cách mạng vĩ đại, đưa cả một dân tộc ra khỏi xiềng gông nô lệ. 100 năm sau cuộc ra đi ấy, thành phố Sài Gòn- Gia Định năm xưa, nay đã là TP.Hồ Chí Minh khang trang, tươi đẹp. Từ Cảng Nhà Rồng phóng tầm mắt ra xung quanh, sẽ thấy một thành phố hiện đại, căng tràn nhựa sống, đầy năng động. Và đó cũng là một thành phố luôn vẹn nguyên một tấm lòng biết ơn và thành kính dâng Người.
Tiến sĩ Hoa Xinh cũng chia sẻ, với bà, niềm vui lớn nhất khi làm công việc của mình tại Bảo tàng là hàng ngày được thấy từng dòng người, du khách trong và ngoài nước vẫn đến, tìm hiểu về cuộc đời, hành trình của Bác, đầy thành kính và ngưỡng vọng. 20 nǎm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đã đón tiếp gần 20 triệu lượt khách từ khắp nơi trong nước và nước ngoài đến tham quan. Hiện nay, mỗi năm Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách, năm sau tăng hơn năm trước.
Tấm lòng biết ơn dâng Người còn được lưu trong quyển lưu bút ở nơi ra vào phòng trưng bày của Bảo tàng. Đó là những dòng chữ của người già, trẻ em, người Việt hay Âu, Á... Có những em học sinh đã viết thế này: “Bác ơi, chúng cháu biết ơn Bác vô cùng, tuy chúng cháu sinh sau chưa bao giờ được gặp Bác, nhưng trong lòng chúng cháu luôn nhớ về Bác Hồ kính yêu”. Cũng có sinh viên đã viết: “Hôm nay 7/2/2009, lần đầu được đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, càng hiều hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, mình càng cảm thấy dâng lên trong lòng niềm xúc động và kính trọng vô cùng”. Một du khách người Mỹ, W.Henrry để lại dòng xúc cảm đầy ngắn gọn, nhưng đã bao quát cả một niềm thành kính mà quốc tế nghĩ về người: “Hồ Chí Minh, một con người yêu nước vĩ đại!”.
Ngọc Mai