Trăn trở vô cùng đáng lưu tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(PLO) - Thử đặt ra câu hỏi: 4.0 có phải là việc của riêng Chính phủ hay việc riêng của các viện nghiên cứu?... “Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể”, trăn trở này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vô cùng đáng lưu tâm.
Trăn trở vô cùng đáng lưu tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Cách đây vài hôm, tại Diễn đàn Hội thảo - Triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự trăn trở của ông về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. “Việt Nam đang ở đâu? Chúng ta cần đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, nhất là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức”, Thủ tướng nói.

Qua phát biểu của ông, một lần nữa “cách mạng 4.0” lại được ông nhắc đến. Thủ tướng trăn trở là đúng, bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT) cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là quy mô và sự sẵn sàng thay đổi của cộng đồng doanh nghiệp.

Ai cũng dễ nhận ra, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá.

Dịp này, Ban Kinh tế Trung ương vừa có một báo cáo chi tiết về chủ đề Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Báo cáo nhận định, Việt Nam sẽ là nước chịu tác động rất mạnh mẽ bởi cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn được gọi là cách mạng 4.0, trong đó lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam được cho là có nguy cơ bị máy móc đào thải với tỷ lệ cao nhất khu vực ASEAN.

Bản chất ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện không có hiệu suất cao, lao động sử dụng không thông qua đào tạo chuyên sâu, chủ yếu lao động lắp ráp, chế biến giản đơn ở những công đoạn có thể dùng máy móc thay thế.

Lý giải vì sao chúng ta “phơi lưng” ngay trên sân nhà, vì sao một dạo báo chí làm “ầm” lên về việc doanh nghiệp Việt Nam chưa làm nổi một con ốc vít để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Mà đúng thật, gần đây đại diện Samsung Việt Nam cho biết, sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm và kết nối, con số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cấp 1 cho Samsung đến thời điểm hiện tại mới tăng lên con số 28. Tìm doanh nghiệp Việt trình độ kỹ thuật cao đang là câu chuyện rất đau đầu. Và vì sao chúng ta vẫn chủ yếu xuất thô nguyên liệu, khoáng sản; đất nước quanh năm “mệt mỏi” vì “giải cứu”?

Thử đặt ra câu hỏi: 4.0 có phải là việc của riêng Chính phủ hay việc riêng của các viện nghiên cứu? Tất nhiên là không, là việc của toàn xã hội, của chính các doanh nghiệp trên “sân chơi” toàn cầu. “Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể”, trăn trở này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vô cùng đáng lưu tâm.

Đọc thêm