Thủ tục nhiêu khê, tốn kém
Chỉ đạo tại các cuộc họp về công tác xây dựng thể chế, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: “Thể chế không tốt thì không thúc đẩy được kinh tế - xã hội phát triển, mà đôi khi còn kìm hãm sự phát triển”… Đã rất nhiều lần, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành trong quá trình hoàn thiện các dự án luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tháo gỡ ách tắc, “điểm nghẽn” về thể chế; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp (DN)…
Có những nhiệm kỳ, Chính phủ đã phải thực hiện 570 chuyến “lên rừng, xuống biển”. Điều này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ nhưng cũng cho thấy các địa phương còn lúng túng khi văn bản luật chưa rõ ràng nên chưa dám thực hiện. Có những dự án hàng trăm, nghìn tỷ đồng, vì vướng luật mà dang dở, chậm triển khai; nhiều dự án đội vốn gấp 3 lần do luật chưa đồng bộ, chồng chéo. Thậm chí, không ít quy định của pháp luật sau khi đi vào cuộc sống đã khiến các đối tượng chịu tác động “dở khóc, dở cười”.
Chẳng hạn, Luật Đất đai quy định miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hiện hành quy định các trường hợp đất đã được giải phóng mặt bằng cần phải đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Chính sự mâu thuẫn, chồng chéo này mà DN khó tiếp cận với quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian qua.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV, Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho biết, nhiều địa phương khi xây dựng dự toán ngân sách phải “đau đầu” trong việc dùng ngân sách thế nào cho có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cử tri và nhân dân mà không vi phạm các quy định. Theo Đại biểu Hậu, nhiều công việc cần thiết nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhưng theo quy định thì phải sử dụng nguồn đầu tư công với nhiều thủ tục nhiêu khê, tốn kém nhiều công sức, thời gian, không tương xứng với số vốn cần sử dụng cho công việc ấy.
“Khi dùng nguồn chi thường xuyên, họ biết làm như vậy là phù hợp, là hiệu quả nhưng lại nơm nớp lo bị kiểm điểm, bị xuất toán. Để hạn chế chuyện đó xảy ra, trong nhiều trường hợp, họ đã phải tốn không ít thời gian và cả trí tuệ chỉ để tìm cho ra một tên của dự án sao cho phù hợp với quy định và tránh sự chú ý của cơ quan kiểm toán” - Đại biểu nhấn mạnh và cho biết, “chuyện thật như đùa” đó đang diễn ra ở nhiều nơi trong mỗi kỳ lập dự toán ngân sách hàng năm.
Cài cắm, thông đồng để “ăn chia”
Cần nâng cao chất lượng các phiên chất vấn, giải trình
Cùng với giám sát, kiểm tra, Đại biểu QH Phạm Văn Hòa cũng đề nghị nâng cao chất lượng các phiên chất vấn và giải trình. Qua giải trình của các bộ, ngành, giúp QH nắm bắt tình hình và rút kinh nghiệm; đồng thời có những kết luận, đề xuất cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy những thành tựu, kết quả đạt được trong thực hiện các văn bản luật.
Tham gia thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã phản ánh 5 chiêu trò “lách luật” phổ biến trong hoạt động đấu thầu thời gian qua. Đó là tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu; cài cắm các điều khoản để “cài thầu quen, chèn thầu lạ”; thiết lập liên minh “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, vây thầu… Lấy ví dụ về tình trạng này, Đại biểu nêu trường hợp một bệnh viện đa khoa của một tỉnh mà theo kết luận thanh tra của tỉnh đó, tổng giá trị hàng hóa mua sắm chỉ hơn 95 tỷ, nhưng giám đốc bệnh viện đã ban hành tới 1.165 quyết định chỉ định thầu, với giá trị của mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu…
Các chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, pháp luật về đấu thầu chưa chặt chẽ, đặc biệt là trao cho tổ chức thẩm định giá chức năng quá lớn, trong khi các quy định về hậu kiểm kết quả thẩm định còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Liên quan đến thực trạng này phải kể đến việc lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cùng các đối tượng liên quan, trong quá trình thực hiện chương trình trồng mới, bổ sung, chăm sóc cây xanh trên địa bàn Hà Nội, đã có hành vi thông đồng nâng khống giá trị một số loại cây, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 30 tỷ đồng. Hay như một loạt các vụ án liên quan đến sai phạm trong việc mua thiết bị y tế tại các bệnh viện lớn thời gian qua đều có nguyên nhân từ sự móc ngoặc, ăn chia trong thẩm định giá để hưởng lợi riêng. Đơn cử như vụ việc ở Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS nhập hệ thống robot về Việt Nam có giá 7,4 tỷ đồng. Nhưng khi trúng thầu với Bệnh viện này, con số đã được “thổi” lên tới 39 tỷ đồng.
Phải đổi mới thực chất hoạt động giám sát văn bản
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 27-NQ/TW đề ra là tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật. Các Nghị quyết của Trung ương cũng yêu cầu thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để phát hiện những “lỗ hổng”, sai sót để kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Đánh giá về công tác này, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc tổng kết thực tiễn đôi khi chỉ làm cho qua; đánh giá tác động vẫn chưa đạt yêu cầu. “Do tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động chưa tốt nên nhiều quy định chưa ban hành đã lạc hậu, tính dự báo rất thấp. Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cao; mà nếu làm không hiệu quả thì không thể phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo” - ông Quyền khẳng định.
|
Ông Nguyễn Đình Quyền - Ảnh V.Dũng |
Giải quyết thực trạng trên, ông Quyền đề nghị phải đổi mới căn bản hoạt động giám sát văn bản. Theo đó, giám sát văn bản phải giám sát hoạt động của các cơ quan ban hành văn bản và cơ quan thực thi văn bản đó. Ví dụ, giám sát Tòa án phải giám sát hoạt động chấp hành pháp luật tố tụng, hoạt động áp dụng pháp luật. Qua hoạt động giám sát này mới phát hiện văn bản hướng dẫn sai. “Trước đây, khi thực hiện công tác giám sát, chúng tôi phát hiện Tòa án cho hưởng án treo với tội phạm tham nhũng khá nhiều. Từ đây, chúng tôi mới lần ra văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nên yêu cầu Chánh án TANDTC phải họp Hội đồng Thẩm phán để sửa ngay văn bản đó. Bởi vậy, muốn giám sát văn bản phải tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan liên quan. Ngoài ra, trước khi tổ chức các đoàn giám sát xuống cơ sở, phải nghiên cứu kỹ quá trình các cơ quan, đơn vị… tổ chức thực hiện văn bản đó, cái gì vướng mắc, cái gì dân kêu?... Tức là phải phối hợp với các phương thức giám sát khác, như giám sát khiếu nại, tố cáo; phối hợp với chất vấn, xét báo cáo; giám sát chuyên đề...” - ông Quyền nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Đại biểu QH Phạm Văn Hòa cho rằng, để các văn bản luật đi vào cuộc sống, rất cần một cơ chế giám sát và kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở… “Khi các văn bản luật có hiệu lực thi hành thì QH, UBTVQH và các ủy ban của QH phải tổ chức các đoàn giám sát, xem có bất cập gì cần sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành là phải kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn; các nghị định, thông tư này cũng phải thường xuyên được thanh tra, kiểm tra. Đó là việc hết sức cần thiết và rất quan trọng để đánh giá tính khả thi của các văn bản luật, đồng thời biết được người dân có đồng tình hay không, rút kinh nghiệm những gì?” - Đại biểu Hòa nói.
Thủ tục phức tạp là “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng
“Những tồn tại, bất cập trong các văn bản luật làm nản lòng các DN, nhà đầu tư, khiến người dân lao đao, khổ sở vì thủ tục rườm rà, phức tạp, phải đi lại nhiều lần. Có thể nói, tất cả những thủ tục quy định chung chung là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực. Ví dụ, trong quy định về hậu thông quan và hậu kiểm, nếu không có tiêu chí cụ thể để định giá tính thuế mà chỉ quy định chung chung thì vô hình trung đã giao thẩm quyền rất lớn cho một cơ quan chức năng. Họ bảo 1 đồng hay 10 đồng cũng chịu, mà giá thuế của 1 đồng khác với 10 đồng… Hiện nay, người dân coi việc “bôi trơn” là bình thường, họ sẵn sàng chi tiền để được việc. Như vậy, hoạt động công vụ làm gì còn trong sáng, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật?” - ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH.