Tiến hành toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở
Nghị quyết 27-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật (XDPL) với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả…
“Đối với phổ biến thông tin pháp luật, trong việc ứng dụng AI, gần đây nổi lên phần mềm ChatGPT, chúng ta chưa đặt ra, vì truyền đạt thông tin pháp luật, PBGDPL có đặc thù riêng, đòi hỏi sự chính xác, đầy đủ. Do đó, yếu tố con người vẫn là ưu tiên; không truyền đạt thông tin một chiều, đó còn là sự tương tác, nhận phản hồi, giải đáp các vướng mắc cho người dân, DN” - Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp).
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) nhận định, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là cầu nối giữa xây dựng, thi hành pháp luật và cuộc sống. Thông qua công tác PBGDPL, không chỉ thông tin pháp luật một chiều từ Nhà nước hoặc các chủ thể quản lý đến người dân, mà còn là sự tương tác, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp (DN) về tính khả thi của các chính sách pháp luật. Như vậy, công tác này không chỉ đưa pháp luật vào cuộc sống mà còn triển khai định hướng lớn là đưa cuộc sống vào pháp luật. Do đó, trong chủ trương, chính sách của Đảng đã đặt ra yêu cầu gắn chặt giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
Bộ Tư pháp vừa qua đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 407-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407). Đề án này khẳng định công tác PBGDPL không chỉ phổ biến những văn bản đã ban hành mà còn phổ biến, truyền thông, lấy ý kiến người dân ngay từ khâu xây dựng chính sách, dự thảo văn bản.
|
Ông Lê Vệ Quốc. |
Ông Lê Vệ Quốc cho biết, Đề án 407 đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trong truyền thông chính sách pháp luật. Nếu các cơ quan soạn thảo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng chỉ đạo thì việc truyền thông chính sách pháp luật sẽ đi vào cuộc sống một cách thực chất, rộng đường dư luận cho người dân, xã hội đóng góp công sức, trí tuệ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. “Những chính sách, thể chế được ban hành mà mang hơi thở cuộc sống, là ý chí, nguyện vọng của người dân thì việc tổ chức thi hành pháp luật sẽ thuận lợi, người dân sẽ tuân thủ, vì đây là những chính sách do chính họ đề xuất, kiến nghị, gắn với phục vụ quyền lợi chính đáng của họ” - ông Quốc khẳng định.
Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội (QH) Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An kiến nghị, cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác XDPL và công tác thi hành pháp luật, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Cùng với đó, việc đẩy mạnh công tác xây dựng ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... thông qua mô hình sinh hoạt Ngày Pháp luật, sinh hoạt chính trị định kỳ hàng tháng tại các cơ quan, đơn vị… cũng là nhiệm vụ cần chú trọng. Việc triển khai công tác PBGDPL cần được tiến hành toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL đảm bảo phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng.
Đặc biệt, cần kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật. Đây chính là việc thực hiện có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cơ quan soạn thảo phải hết sức cầu thị, thực chất trong tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo văn bản.
“Qua tổ chức triển khai thi hành pháp luật, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức phải luôn theo dõi, kịp thời lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, DN để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc hoặc những nội dung thiếu tính khả thi, qua đó tiếp nhận, đề xuất tháo gỡ hoặc điều chỉnh kịp thời… Đồng thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật, vì đây là lực lượng nòng cốt góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống” - bà Phan Thị Mỹ Dung đề xuất.
|
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung. |
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới công tác PBGDPL, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27-NQ/TW, ông Lê Vệ Quốc cho biết, trong thời gian tới, Vụ PBGDPL sẽ tham mưu một cách đầy đủ cho lãnh đạo Bộ Tư pháp để tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương triển khai công tác PBGDPL theo các định hướng lớn.
Theo đó, thứ nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác PBGDPL để thông qua các nội dung công nghệ số sẽ giúp cho việc triển khai các hoạt động PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kịp thời, đầy đủ, chính xác, cũng như giúp quản lý Nhà nước về công tác này được thuận lợi, hiệu lực, hiệu quả.
Ví dụ, từ trước đến nay, công tác PBGDPL được triển khai thông qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng để có công cụ đong đếm, xác định nhu cầu thực sự của người dân, DN đối với thông tin pháp luật là gì, tập trung vào những lĩnh vực nào thì chưa được triển khai bài bản. Việc đánh giá, đo lường hiệu quả đưa thông tin pháp luật vào cuộc sống cũng vậy. Khi ứng dụng công nghệ số, chúng ta có thể xác định được khi nào cần triển khai hoạt động PBGDPL phù hợp với từng đối tượng cụ thể. “Việc PBGDPL cho cán bộ, công chức khác với phổ biến cho người dân; người dân thành thị khác người dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng một khung giờ đó, việc phổ biến cho người dân Hà Nội thì có hiệu quả, nhưng áp dụng cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại không hiệu quả… Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở đây không phải tự động hóa việc trả lời, giải thích pháp luật mà để đo lường, tính toán, đánh giá hiệu quả” - ông Quốc cho hay.
Định hướng thứ hai là chúng ta sẽ ưu tiên, tập trung nguồn lực để PBGDPL cho đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội. Bởi có 80% người dân trong xã hội tự mình tiếp cận thông tin pháp luật trên nền tảng thông tin, do đó cần dành nguồn lực tập trung PBGDPL cho 20% đối tượng đặc thù và những người do nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau mà họ không thể tiếp cận được thông tin pháp luật trên môi trường internet. Để thực hiện định hướng này, trước hết các giải pháp phải đảm bảo tính căn cơ, bền vững, từ hoàn thiện chính sách, thể chế đến xây dựng nguồn nhân lực con người.
Định hướng thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác PBGDPL. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường. Theo đó, đưa nội dung về Nhà nước pháp quyền vào trong chương trình giáo dục pháp luật của nhà trường. Hoàn thiện lại chương trình, giáo trình, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên môn Giáo dục công dân, bảo đảm bên cạnh kỹ năng giảng dạy môn học này thì được đào tạo về pháp luật.
Cần ban hành Đề án khoa học cấp Nhà nước về tổ chức thực hiện pháp luật
Là người có nhiều năm trăn trở với công tác này, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH bày tỏ: đến nay, chúng ta chưa có Đề án khoa học cấp Nhà nước về tổ chức thực hiện pháp luật. “Đề án này theo tôi phải bằng Nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương để Nhà nước căn cứ vào đó thực hiện; trong đó sử dụng tổng hợp các biện pháp, giải pháp. Ví dụ như giáo dục, tuyên truyền pháp luật; hoàn thiện hệ thống pháp luật; xác định trách nhiệm công vụ; phân cấp, phân quyền; giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Khi có Đề án mới, chúng ta mới có thể hình dung rằng, đưa pháp luật vào cuộc sống cần một bộ máy hùng hậu ra sao? Như vậy, quản lý Nhà nước về mặt vĩ mô phải hình dung ra, còn hiện nay chúng ta đang làm theo kinh nghiệm chứ không có bài bản. Đề án này sẽ chỉ rõ cái gì làm trước, cái gì làm sau, trách nhiệm của QH, Chính phủ và các bộ, ngành ra sao? Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Viện nghiên cứu, trường học… thế nào. Chính quyền địa phương từng cấp làm gì, trách nhiệm đến đâu, phối hợp ra sao? Rồi cơ chế vận hành, mối quan hệ giữa các thiết chế trong vận hành…