Trăn trở với 'tuổi thọ' của luật (Kỳ 5): Đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động của Quốc hội

(PLVN) - Quốc hội khóa XV đã và đang tiếp cận vấn đề đổi mới như thế nào nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công cuộc kiến tạo, phát triển đất nước? Quốc hội cần làm gì để các đạo luật sau khi ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống, có “tuổi thọ” lâu dài?... Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có một số chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Một phiên họp của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Một phiên họp của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Tinh thần cầu thị, trách nhiệm

Đánh giá triển vọng việc giải quyết các vấn đề lớn mà thực tiễn đang gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ thông qua hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội (QH), Chủ tịch QH nhận định: Với những thành tựu và bề dày lịch sử hoạt động của QH 77 năm qua, cũng như những kết quả bước đầu rất quan trọng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có đủ cơ sở để tin tưởng rằng thông qua hoạt động lập pháp, QH khóa XV sẽ giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Bởi công tác lập pháp luôn được QH tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, chặt chẽ, đúng quy trình, có nhiều đổi mới và cải tiến. Lãnh đạo QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo sát sao các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình đầy đủ, kịp thời, thấu đáo ý kiến của đại biểu để có phương án tối ưu nhất trong việc tiếp thu, chỉnh lý.

Chủ tịch QH yêu cầu, luật phải được xây dựng theo quy trình, thủ tục khoa học, chặt chẽ; các chính sách của luật phải được đánh giá tác động đầy đủ, thực chất; tuyệt đối không được cài cắm, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ... Bên cạnh đó, các quy định của luật phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Ngoài ra, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án, dự thảo luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, từ sớm, từ xa với tinh thần trách nhiệm cao và nhiều cách làm mới. Đặc biệt, đối với những dự án luật quan trọng, phức tạp như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), UBTVQH ban hành kế hoạch trình QH xem xét, thông qua dự án Luật; Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hoàn thiện dự án Luật này. Đây không chỉ là cách làm mới, sáng tạo mà còn thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Chính phủ.

Cùng với đó, các đại biểu QH đều tích cực nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng với mục đích nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo và đều được Tổng Thư ký QH tổng hợp, tiếp thu đầy đủ. Chẳng hạn, tại Kỳ họp thứ 4, đã có 228 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 45 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); 180 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 18 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)...

Để luật có “tuổi thọ” lâu dài, tính ổn định cao, không cần nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, theo Chủ tịch QH, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm các đạo luật do QH ban hành phải tốt cả về nội dung và hình thức. Cụ thể, luật phải phản ánh được thực tiễn cuộc sống, đưa hơi thở của cuộc sống vào các quy định của luật, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng… Về hình thức, luật phải được xây dựng theo quy trình, thủ tục khoa học, chặt chẽ; các chính sách của luật phải được đánh giá tác động đầy đủ, thực chất, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến cơ quan, tổ chức, nhân dân theo quy định; tuyệt đối không được cài cắm, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ...

Bên cạnh đó, các quy định của luật phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng. Thực tiễn đã chứng minh, những luật chỉ quy định chung chung, khái quát theo kiểu “luật khung”, “luật ống” có ưu điểm là ổn định nhưng để đi vào cuộc sống thì phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này dẫn đến tình trạng luật ban hành xong không thi hành được ngay mà phải chờ nghị định, nghị định lại chờ thông tư. Có trường hợp văn bản hướng dẫn lại không phù hợp với quy định của luật, phát sinh thủ tục hành chính mới, gây khó khăn, cản trở với người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần xây dựng các đạo luật với các quy định rất cụ thể, rõ ràng, nhưng không có nghĩa là vấn đề nào cũng cụ thể, chi tiết, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.

Ngoài ra, các cơ quan được giao nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành phải khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm phù hợp về nội dung và có hiệu lực đồng thời với luật của QH để luật đi thẳng vào cuộc sống. Cùng với đó, chúng ta phải nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Nhiều sáng kiến chưa từng có trong tiền lệ

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có thể thấy, QH khóa XV đã và đang có nhiều sáng kiến, đề xuất đổi mới hoạt động lập pháp với những nội dung chưa từng có trong tiền lệ hoạt động của QH. Điều đó thể hiện ở việc QH ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại Kỳ họp thứ nhất để ủy quyền, giao UBTVQH, Chính phủ quyết định nhiều nội dung quan trọng chưa được luật quy định hoặc khác quy định của luật để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đảng đoàn QH tham mưu, trình Bộ Chính trị lần đầu tiên thông qua Đề án định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả khóa và ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng này.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ

Bên cạnh đó, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của QH đã chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa” trong xây dựng pháp luật (XDPL). Tiêu biểu là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH nghiên cứu, làm việc với các bên liên quan hơn 1 năm trước khi dự án được thảo luận lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua.

Trên cơ sở những thí điểm đổi mới đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả thực tế, QH đã thông qua Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi), UBTVQH đã sửa đổi Quy chế làm việc để tiếp tục nâng cao chất lượng thảo luận, quyết định các vấn đề theo thẩm quyền trên tinh thần quán triệt các yêu cầu của Đảng về “tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của QH”… đã được Nghị quyết Đại hội XIII đề ra và tiếp tục cụ thể hóa tại Nghị quyết số 27-NQ/TW; qua đó đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của nhân dân về một QH hành động, đồng hành cùng Chính phủ, lập pháp vì sự phát triển.

Xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể

Chia sẻ những định hướng lớn của QH trong hoàn thiện thể chế và những giải pháp để bảo đảm chất lượng lập pháp trong thời gian tới, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết số 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây chính là kim chỉ nam, định hướng tổng thể cho công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế của nước ta.

Để thực hiện yêu cầu trên, Chủ tịch QH đã nhấn mạnh một số định hướng lớn. Theo đó, chúng ta cần tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục XDPL theo hướng dân chủ, hiện đại, khoa học, thực chất, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng công tác này. Đồng thời, tiếp tục phát huy kinh nghiệm sáng tạo, hiệu quả của QH khóa XV trong việc trình Bộ Chính trị ban hành định hướng XDPL theo từng nhiệm kỳ; vừa bảo đảm rút ngắn thời gian từ khi chính sách luật được đề xuất cho đến khi được thông qua và phát huy hiệu lực trong cuộc sống, kết hợp với siết chặt kỷ luật, kỷ cương về quy trình, thủ tục xây dựng luật.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác sơ kết, tổng kết việc thi hành luật làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tính khả thi của các luật được ban hành, kịp thời phát hiện bất cập, vướng mắc để điều chỉnh… Đặc biệt, cần chống tiêu cực ngay trong công tác XDPL, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Định hướng tiếp theo là hoàn thiện cơ chế tham vấn công chúng trong quá trình soạn thảo, thẩm tra các dự án luật; mở rộng phạm vi bao phủ và tính đại diện, nhất là của các đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách luật. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác XDPL để đổi mới phương thức, rút ngắn quy trình, nâng cao chất lượng soạn thảo, thẩm định, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết…

Đọc thêm