Trân trọng lắng nghe kiều bào góp ý sửa đổi Hiến pháp

Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm qua tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm qua tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Huy động trí tuệ kiều bào

Đại diện các tổ chức, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, cả ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đạt sự đồng thuận của nhân dân vào văn bản chính trị, pháp lý quan trọng thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ này.

Góp ý cụ thể vào các điều khoản của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là điều 19 về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các ý kiến đều mong muốn “Hiến pháp được thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu, để mọi người dân có thể hiểu” như ý kiến của ông Bùi Đình Dính - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài- và “tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người Việt Nam ở nước ngoài về làm ăn, sinh sống ở quê hương, đóng góp xây dựng đất nước” - ông Nguyễn Văn Phúc (định cư tại Hoa Kỳ) bày tỏ.

Ông Trần Bá Phúc (Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia), bà Phan Bích Thiện (Cộng đồng người Việt Nam tại Hungari) cùng đánh giá, “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có khá nhiều điểm mới như khẳng định nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN, cụ thể hóa rất nhiều về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, nâng một mức cao hơn vấn đề quản lý bằng hiến pháp, pháp luật.

Trong đó, quyền công dân, quyền con người được mở rộng và đảm bảo bằng các quy định pháp luật khá chi tiết, nhiều vấn đề “sâu sát với những vấn đề của thế giới” như qui định về bảo vệ công dân Việt Nam và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ môi trường…”.

Tuy nhiên, bà Phan Bích Thiện thấy rằng, dự thảo “cần cụ thể hóa hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong các vấn đề về phản biện xã hội để tập trung nhiều ý kiến của nhân dân cho các vấn đề của đất nước”.

Đại diện cho Hội người Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Tài Phương đề nghị dự thảo qui định cụ thể “Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; bảo hộ người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đầu tư phát triển đất nước” để khẳng định quyết tâm của Nhà nước đối với những người có công đóng góp với đất nước.

Khẳng định ý nghĩa là “bộ phận không tách rời” của kiều bào

Cũng đánh giá cao những qui định tiến bộ, phù hợp xu hướng hội nhập trong dự thảo, ông Nguyễn Hoài Bắc (Chủ tịch Trường nghề Việt Nam – Canada tại Canada) đề nghị “Hiến pháp sửa đổi cần có “dấu ấn” thể hiện rõ ý nghĩa là “bộ phận không tách rời” của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”

Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (Chủ tịch Hội hỗ trợ phụ nữ và thanh niên Việt Nam tại CHLB Đức), cộng đồng người Việt Nam ở Đức luôn có nhiều dự án cho cộng đồng và hướng về quê hương, góp phần xóa đói giảm nghèo nên việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc sẽ đem lại nhiều cơ hội cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng và phát triển đất nước, gắn bó nhiều hơn với cộng đồng dân tộc Việt Nam ở quê hương.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đã góp ý vào kỹ thuật lập pháp như việc sử dụng thống nhất các thuật ngữ có nội dung giống nhau như: theo pháp luật (Điều 11, 12…); theo quy định của pháp luật (Điều 23, 24…); theo quy định của luật (Điều 58…); làm rõ một số thuật ngữ như nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, chỗ ở, nhà ở và nơi ở…  

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, với chính sách “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước”, “Hội nghị lấy ý kiến đại diện người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” có ý nghĩa hết sức đặc biệt để huy động tiềm năng, đóng góp, trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, để việc lấy ý kiến nhân dân bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng của đông đảo các tầng lớp nhân dân”.

Các ý kiến đóng góp sẽ được “trân trọng lắng nghe” để có được bản Hiến pháp thực sự là kết tinh từ trí tuệ, tâm huyết của toàn dân.

Theo thống kê của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có gần 4 triệu người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển (Bắc Mỹ, Pháp, Đức) và các nước Đông Âu, Châu Á…, đem lại cho đất nước nguồn kiều hối tăng trưởng khoảng 20%/năm, riêng năm 2012, lượng kiều hối đạt 11,2 tỷ USD.

Huy Anh

Đọc thêm