Điều trước “đá” điều sau
Khoản 2 Điều 21 Dự thảo quy định, KTS được miễn cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc đối với “Người đã có giải thưởng hạng Nhất kiến trúc quốc gia, đã đoạt giải thưởng quốc tế; đã chủ nhiệm, chủ trì nhiều đồ án, thiết kế công trình đã được xây dựng”. Ngay trong điều tiếp theo về đăng ký hành nghề KTS, khoản 2 Điều 22 Dự thảo quy định “Người không đăng ký không được đảm nhiệm chức danh chủ nhiệm, chủ trì thiết kế”.
KTS Minh Hải (Hà Nội) nhận định, hai quy định này là mâu thuẫn nhau, vì nếu đáp ứng theo khoản 2 Điều 22 thì không thể đáp ứng được quy định tại khoản 2 Điều 21, vì muốn đăng ký hành nghề thì phải có chứng chỉ, có chứng chỉ thì mới được đảm nhiệm chức danh chủ nhiệm, chủ trì thiết kế. Trong khi đó, khoản 2 Điều 21 lại áp dụng cho người không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tức là không đăng ký, nhưng vẫn làm chủ nhiệm, chủ trì đồ án thiết kế.
Mở cửa rộng hơn cam kết cho dịch vụ kiến trúc từ nước ngoài?
Điều 24 Dự thảo quy định về hành nghề kiến trúc của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, một trong những điều kiện của người nước ngoài được hành nghề KTS tại Việt Nam là “Cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam”. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, quy định này trong Dự thảo là không cần thiết, bởi đây là nghĩa vụ đương nhiên, có cam kết hay không thì người nước ngoài hành nghề kiến trúc hoặc làm bất kì việc gì tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam.
Khoản 2 Điều 24 Dự thảo quy định phạm vi hành nghề kiến trúc của người nước ngoài đã có chứng chỉ ở Việt Nam thực hiện theo phạm vi hành nghề quy định tại Điều 18 Dự thảo – tức là hoàn toàn bình đẳng với KTS Việt Nam.
“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo cam kết WTO của Việt Nam thì dịch vụ kiến trúc chưa mở cửa hoàn toàn” - góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Xây dựng nêu.
Đơn vị này ví dụ, trường hợp KTS làm việc trong doanh nghiệp kiến trúc FDI thì bản thân doanh nghiệp đó phải được thành lập bởi nhà đầu tư có tư cách pháp nhân theo pháp luật nơi nhà đầu tư có quốc tịch, chứ không thể là nhà đầu tư tư nhân. Trường hợp KTS cung cấp dịch vụ kiến trúc qua biên giới (ở nước khác nhưng cung cấp dịch vụ cho khách hàng Việt Nam), thì Việt Nam chưa cam kết mở cửa. Trường hợp KTS cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị thì: (i) sản phẩm dịch vụ của KTS nước ngoài phải được KTS Việt Nam làm việc trong một pháp nhân xác nhận; (ii) không được phép cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn nhạy cảm về an ninh, ổn định xã hội.
“Tất nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể mở cửa rộng hơn cam kết, trong những khía cạnh thích hợp. Do đó, bằng Luật này, Việt Nam hoàn toàn có thể mở cửa rộng hơn cam kết cho dịch vụ kiến trúc từ nước ngoài. Mặc dù vậy, điều này, nếu có, phải được thực hiện trên cơ sở nhận biết rõ đây là việc mở cửa sớm hơn cam kết. Ngoài ra, một số giới hạn của cam kết WTO có thể thực sự cần thiết (ví dụ hạn chế quyền hoạt động ở một số địa bàn nhạy cảm về an ninh…), việc tự nguyện bỏ cam kết này cần được cân nhắc cẩn trọng” – VCCI nhận định.
Quy định cấp chứng chỉ KTS còn mơ hồ
Về cơ quan cấp chứng chỉ KTS, khoản 1 Điều 25 Dự thảo quy định “Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề KTS là cơ quan quản lý nhà nước, hội xã hội nghề nghiệp”. Quy định này được hiểu, có hai chủ thể có thẩm quyền cấp chứng chỉ KTS, tuy nhiên lại không quy định rõ về quyền của người đề nghị trong lựa chọn cơ quan cấp chứng chỉ.
Trong khi đó, Điều 27, 29 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh nội dung Chứng chỉ hành nghề KTS do Hội KTS Việt Nam cấp. Như vậy không rõ trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ kiến trúc sư do cơ quan nhà nước cấp là như thế nào?
Vì thế, để đảm bảo tính thống nhất và rõ ràng, VCCI đề nghị quy định thống nhất việc cấp chứng chỉ KTS do tổ chức xã hội nghề nghiệp, cụ thể là Hội KTS cấp, tức là bỏ trường hợp do cơ quan nhà nước cấp.
KTS sẽ được quản lý như luật sư?
Để được hành nghề KTS, Dự thảo đang thiết kế theo hướng: Người đủ tiêu chuẩn sẽ phải thực hiện thủ tục để được cấp Chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Người có Chứng chỉ hành nghề KTS sẽ phải đăng ký hành nghề KTS; Người có Chứng chỉ hành nghề KTS gia nhập một Đoàn KTS; Đoàn KTS sẽ cấp thẻ KTS.
Theo quy định trên thì KTS đang được quản lý tương tự với luật sư và so với quy định hiện hành về quản lý đối với KTS thì người hành nghề KTS phải thực hiện thêm thủ tục gia nhập Đoàn kiến trúc để được cấp thẻ KTS và đăng ký hành nghề KTS. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khi được cấp chứng chỉ hành nghề KTS (nằm trong chứng chỉ hoạt động xây dựng) các cá nhân có thể hoạt động trong lĩnh vực này.
“Trong khi đó, việc bổ sung thêm thủ tục “đăng ký với Đoàn kiến trúc” đối với người hành nghề kiến trúc như trong Dự thảo là dựa trên lý do gì, nhằm mục đích gì và đã tính toán tới tính khả thi chưa?”, KTS Hoàng Thịnh - cũng là người có kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này - bày tỏ băn khoăn – “Việc phát sinh thêm thủ tục hành chính trong khi không có giải trình về mục đích quản lý sẽ khiến cho hoạt động hành nghề của KTS gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường”.
Nhiều ý kiến đề xuất cân nhắc, xem xét thiết kế quy định theo hướng KTS chỉ cần phải thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề KTS là có thể hoạt động trong lĩnh vực này mà không cần phải thực hiện thêm thủ tục nào khác.