Tránh tình trạng “chạy giỏi” thì được đầu tư

Hôm qua (11/6), thảo luận về đề nghị bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn băn khoăn khi còn nhiều dự án rất cấp thiết, nhưng vẫn chưa được bố trí đủ vốn…

Hôm qua (11/6), thảo luận về đề nghị bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn băn khoăn khi còn nhiều dự án rất cấp thiết, nhưng vẫn chưa được bố trí đủ vốn…

Đại biểu phát biểu tại Hội trường

Đầu tư cho giao thông quá nhiều

Cho rằng, đây là những công trình bức xúc được các địa phương cũng như nhân dân chờ đợi vì có ý nghĩa lan tỏa rộng, kết nối nhiều địa phương và có ảnh hưởng vùng… giúp vùng khó khăn bắt kịp thời xu hướng phát triển trong điều kiện đổi mới cũng như hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều ĐBQH tán thành việc bổ sung 5 dự án mới (gồm dự án cầu Năm Căn (Cà Mau), cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang), khu nhà ở cho sinh viên ĐH Trà Vinh, Bệnh viện Ung thư TP.Đà Nẵng, cụm 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển Ninh Thuận) sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 với tổng mức tiền là 5.363 tỷ đồng. Tuy nhiên, các ĐB lưu ý phải căn cứ vào “tính cấp bách” của các DA để quyết định

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (TP.Hà Nội) cho rằng, trong 5 dự án có đến 3 dự án giao thông (chiếm tới 4.973 tỷ đồng) là “tương đối nhiều”. Trong khi rất nhiều người dân bức xúc về tình trạng đầu tư tiền cho giao thông nhiều nhưng hiệu quả rất kém  nên “xem xét, cân nhắc lấy 1 hoặc 2 dự án giao thông là cùng”. Cũng về giao thông, ĐB Thạch đề xuất “đầu tư tiền, kể cả trái phiếu Chính phủ và các nguồn khác cho việc di dời các trường đại học, các bệnh viện ra khỏi nội đô để đỡ ùn tắc giao thông và bức xúc trong đô thị” ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Chưa tán thành về cách đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị cân nhắc phân bổ nguồn vốn đầu tư một cách thật trọng và hiệu quả nhất vì phản ánh của cử tri thì việc nhiều dự án, công trình, đặc biệt là công trình giao thông, bị cắt giảm đình hoãn, khi được tiếp tục đầu tư sẽ lại phải sửa chữa. “Như vậy, việc bổ sung không đủ sẽ khiến cho công trình kéo dài mãi. Đây chính là một loại của đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí lớn” – ĐB Phúc nhận xét.

Địa phương “tị” nhau

Nhiều ĐBQH đã nêu ra một loạt các dự án tại địa phương đang rất cần được đầu tư, nhưng chưa được phân bổ ngân sách và cho rằng, “cách phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không được minh bạch, công bằng”. ĐB Lê Việt Trường (tỉnh An Giang) bày tỏ, “nếu tôi nhất trí thì sau kỳ họp này, sẽ rất khó xử khi gặp cử tri của mình” vì không lý giải được tại sao nhiều dự án cấp bách của địa phương không được cấp vốn. Còn ĐB Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) nhấn mạnh “nếu Chính phủ không cấp vốn đủ cho quốc lộ 1A thì đừng bố trí cho dự án nào khác”.

Trước thực tế thì địa phương nào cũng cho rằng, dự án ở địa phương mình là quan trọng nên ĐB Danh Út (tỉnh Kiên Giang) đề nghị cần giải trình rõ thêm tiêu chí nào, nhất là tiêu chí “cấp bách” để đưa dự án vào danh mục bổ sung sử dụng trái phiếu Chính phủ.

Làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, nếu lấy 225.000 tỷ đồng chia đều cho 63 tỉnh TP thì tỉnh rất nghèo khó lại được rất ít, tỉnh bé mà lại được rất nhiều. Nên sau khi được QH quyết, Bộ KH&ĐT phân bổ 225.000 tỷ đồng theo danh mục các dự án đang làm dở dang nên có những tỉnh được phân bổ tới hơn 22.000 tỷ đồng, nhưng cũng có những tỉnh không có đồng nào vì không có công trình trái phiếu nào.

Nhìn từ tổng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ (225 nghìn tỷ đồng) không đổi, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lo ngại khi Chính phủ chỉ đề nghị bổ sung dự án mà không rút dự án nào nên đề nghị “Chính phủ phải trình Quốc hội một cách rõ ràng dự án thêm, dự án rút để thảo luận một cách rõ ràng. Tránh “tình trạng ai “chạy giỏi” thì được làm trước, tạo ra tiêu cực”. Chia sẻ với ĐB Lịch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng mong muốn QH sẽ thanh tra, giám sát việc thực hiện nguồn vốn này và trách nhiệm của các ngành, các địa phương liên quan.

Nhưng nhiều ĐBQH tỏ ra không đồng tình với việc bổ sung các dự án mới. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) lo ngại việc thay đổi Nghị quyết sẽ “làm ảnh hưởng lòng tin của đại biểu với cơ quan thẩm quyền trong trình, duyệt dự án” và nhấn mạnh: “ Kỳ trước, chúng ta vừa thông qua, chưa kịp thực hiện, kỳ này đã sửa, vậy tới đây chúng ta có bổ sung, sửa tiếp không? Nếu thực sự cần thiết thông qua, cần hết sức rút kinh nghiệm với cơ quan hữu quan trong thẩm tra các Nghị quyết của Quốc hội”…

Cùng ngày QH cũng đã thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 và dự án Luật Dự trữ quốc gia.

Hương Giang

Đọc thêm