Tránh xảy ra trục lợi chính sách trong thu hồi đất

(PLVN) - Sáng nay (30/9), tiếp tục chương trình, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tập trung thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đã thể hiện sự quan tâm đối với các quy định liên quan đến thu hồi đất.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 30/8. (Ảnh: Quochoi.vn)

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là dự án luật lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau là vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập. Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.

Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tham gia thảo luận về các quy định thu hồi đất, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khi nhắc đến sử dụng đất thì phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, địa phương, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân, vì vậy, cần phải làm rõ hơn ba lợi ích này. Cùng với đó, cần xác định thuộc tính của đất. Theo Đại biểu, thuộc tính của đất gồm có vị trí và diện tích. Có vị trí đất phù hợp với làm giao thông, có vị trí gần với sông, với biển…, mỗi vị trí này đều có những lợi thế khác nhau. Khi nhắc đến lợi ích quốc gia, địa phương thì cần xác định vị trí đất có thể làm được gì để có lợi nhất đối với đất nước và địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm, đất có vị trí nhất định, diện tích nhất định thì cần phải làm gì có lợi nhất cho đất nước, địa phương, đó là lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, nếu vị trí đất đó làm đường giao thông là tốt nhất thì phải thu hồi đất để làm giao thông. Thu hồi đất để làm dự án có ý nghĩa nhất với quốc gia, địa phương thì Nhà nước thu hồi vì lợi ích của đất nước, địa phương.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long. (Ảnh: Quochoi.vn)

Về cơ chế thỏa thuận trong thu hồi đất để thực hiện các dự án thương mại, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, vấn đề này liên quan chặt chẽ đến Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây không phải vấn đề mới và được tranh luận rất quyết liệt tại Hội trường.

Theo Đại biểu Long, giải trình, tiếp thu về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 104 ngày 1/1/2022, trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ quan điểm không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Công Long nhận thấy, từ đó đến nay tình hình không có chuyển biến để cần thay đổi quan điểm này. Lý do là chúng ta cần vận dụng Nghị quyết 18-NQ/TW về vấn đề này - tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Từ đó, Đại biểu đề nghị cần có sự phân biệt rõ giữa thu hồi đất và thỏa thuận vì tính chất hoàn toàn khác nhau, cân nhắc rất kỹ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời, cân nhắc quy định theo hướng chỉ cho phép các bên thỏa thuận để thực hiện các dự án thương mại phù hợp với mục đích sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất vì quy định như Dự thảo Luật hiện chưa đảm bảo chặt chẽ.

Đọc thêm