Tới dự Lễ tổng kết, trao giải có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương Nguyễn Thanh Tịnh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng.
Thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022 và Kế hoạch triển khai chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo Kết luận 76-KL/TW và Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, hiệu quả là thước đo của công tác PBGDPL và là khâu đầu vào trong tổ chức thi hành pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ VHTTDL Lê Thanh Liêm báo cáo tại buổi tổng kết cuộc thi cho hay, cuộc thi được tổ chức rộng rãi trên phạm vi cả nước nhằm tìm kiếm, tôn vinh, nhân rộng những sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở tiêu biểu đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng rộng rãi, hiệu quả vào thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở.
Cuộc thi chính thức được phát động từ ngày 14/4/2022 và kết thúc nhận bài dự thi ngày 30/9/2022. Qua hơn 5 tháng phát động Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của một số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Bộ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và sự tham gia vào cuộc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương đã động viên, thu hút, khuyến khích đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia Cuộc thi.
|
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao giải Nhất cuộc thi.. |
Kết quả kết thúc thời gian diễn ra Cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được tổng số 1015 bài dự thi gồm 190 bài tập thể và 825 bài cá nhân. Các bài dự thi được gửi về từ 40 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có một số địa phương có số cá nhân, tập thể tham gia đông đảo như: tỉnh Bắc Ninh (277 bài), tỉnh Cà Mau (124 bài), lực lượng Bộ đội Biên phòng (166 bài)…Các bài dự thi có sự đa dạng về tuổi tác, có những bài đến từ các em học sinh THCS với độ tuổi khoảng 11 – 14, cũng có những bài dự thi đến từ các cụ ông, cụ bà có độ tuổi ngoài 80, như bài dự thi của cụ Trần Ngọc Uy, sinh năm 1938. Không chỉ đa dạng về vùng miền, đa dạng về thành phần tri thức, độ tuổi mà còn có sự đa dạng về dân tộc như dân tộc Tày, Hoa, Khmer, Mường,…
Góp phần vào thành công của Cuộc thi phải kể đến sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng ở Trung ương và các địa phương, tạo thành đợt cao điểm truyền thông có chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng trên phạm vi cả nước. Công tác truyền thông về Cuộc thi được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong quá trình diễn ra Cuộc thi.
Tổng kết Cuộc thi, ngày 02/11/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2803/QĐ-BVHTTDL về việc trao giải thưởng Cuộc thi cho 11 cá nhân và 10 tập thể đạt giải. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng đề xuất Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho 03 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hưởng ứng Cuộc thi là Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau.
Ông Võ Thành Đông, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Phú Yên đạt giải Nhất qua mô hình “Tổ chức biểu diễn tuyên truyền lưu động gắn với tuyên truyền, giáo dục pháp luật” với học sinh ở các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương Nguyễn Thanh Tịnh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng trao giải Nhì cho người đạt giải. |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương- Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong đó có việc tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp Luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2022 diễn ra vào tối ngày 6/11 vừa qua. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen cho tập thể Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, phổ biến, thi hành, bảo vệ pháp luật nói chung và hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp Luật Việt Nam thời gian tới, để Ngày Pháp luật thực sự trở thành ngày hội của toàn dân nhằm lan tỏa tinh thần và ý thức thượng tôn pháp luật, Thứ trưởng đề nghị Bộ VHTTDL thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đồng thời tiếp tục có nhiều sáng kiến tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.
“Nhận thức đây là hướng đi đúng cần tiếp tục triển khai, đưa Luật vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn, hiểu biết pháp luật một cách sâu sắc hơn. Cụ thể, thông qua những câu hát, lời ru hay một tiểu phẩm sẽ giúp cho chúng ta nhận thức được pháp luật kỹ hơn thay vì chúng ta đọc các điều luật một cách khô khan trong các hội nghị. Không chỉ dừng lại ở đó, thông qua các hoạn động này còn tạo dựng được các phong trào, các loại hình văn hóa từ cơ sở. Chúng ta phải nhận thức rằng sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật không chỉ là khẩu hiệu, đặc biệt là những người làm VHTTDL hơn bao giờ hết cần nỗ lực hơn nữa để lan tỏa, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách linh hoạt thông qua văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Ngay sau khi tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn, giới thiệu các sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả đề xuất Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương xem xét phổ biến, nhân rộng các sáng kiến, mô hình, cách làm hay về phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở trong thực tiễn, đặc biệt là đối với đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật linh hoạt, từ thực tiễn cơ sở thông qua các hoạt động văn hóa cơ sở đã không chỉ góp phần để pháp luật đi vào cuộc sống, mà còn mang hơi thở của cuộc sống đến với các quy định của pháp luật.