Trào lưu ngược thời thế

(PLO) - Không thể phủ nhận việc xây tượng đài hoành tráng, trụ sở uy nghi đã là trào lưu của một thời và cái trào lưu này đã ngốn không ít tiền của ngân sách, tài nguyên của đất nước, mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Bây giờ, dư luận dị ứng với việc xây tượng đài, trụ sở, coi đó là việc đi ngược lại với chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Nhà nước ta.
Trụ sở tỉnh Hà Giang. Ảnh Báo Dân trí
Trụ sở tỉnh Hà Giang. Ảnh Báo Dân trí

Thế mà, Hà Giang – một tỉnh vào loại nghèo nhất nước lại “đệ đơn” xin xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh với tổng dự toán gần 1000 tỷ đồng. Dường như ngay lập tức giới truyền thông đồng thanh lên tiếng, không một ý kiến nào ủng hộ cho chủ trương xây dựng này. Sự kiện này lại làm người ta nhớ đến một Hà Giang “đại công trường” vang danh một thuở và hệ lụy còn để đến tận giờ vẫn chưa khắc phục nổi: hơn 1000 tỷ đồng tiền nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn đó. Sao người ta không lo trả nợ mà lại xây dựng tiếp, cái đạo lý đơn giản “vay, trả” đó không thực hiện được thì nói gì đến những chuyện “vì nước, vì dân” cao cả khác?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngần ngại “bác” cái đề nghị xin tiền ngân sách này. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế thì việc để cho địa phương “tự chủ” trong việc xây dựng các công trình tại địa phương tiềm ẩn một kẽ hở rủi ro rất lớn. Đó là việc họ sẽ bán đất để “cân đối” chi phí xây dựng, coi đó là “nguồn thu” của địa phương. Đất là tài sản quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân không thể tùy tiện mà đem bán, đổi chác lấy công trình được. Nếu bán đất để đầu tư cho an sinh xã hội, xây cầu, trường học, bệnh viện,... hoặc cứu đói cho dân thì lại là chuyện khác. 

Bỏ sang bên cái sự “nghèo mà chơi sang” thì việc xây dựng các trụ sở to đẹp, tốn tiền là hình ảnh gây phản cảm trong thời điểm hiện tại. Trung ương vừa sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà Bác là tấm gương sáng được quán triệt một cách sâu sắc. Bên cạnh đó, luôn luôn cần khắc cốt, ghi tâm lời Bác dạy: Cán bộ là “công bộc” của nhân dân, đòi hỏi sự gương mẫu của mỗi người cán bộ. “Công bộc” là ở và làm việc tại nơi nguy nga, tráng lệ ư? Gương mẫu là bán đất công thổ quốc gia để tiêu hoang ư? Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại khi đất nước khó khăn, nợ công tăng cao, nhiều công trình bạc tỷ “đắp chiếu”,... cần đến sự chắt chiu, “thắt lưng, buộc bụng”, hiệp sức, đồng lòng mà cứ làm sống dậy trào lưu xây dựng tượng đài, trụ sở, lo lắng không xây được thì “thiệt thòi cho nhân dân địa phương” thì đó không chỉ gây phản cảm mà còn đi ngược lại với xu thế của đất nước, của các chủ trương đúng đắn về xây dựng phẩm chất người cán bộ, tinh gọn bộ máy và thực hành tiết kiệm.

Nếu cứ đam mê theo đuổi việc xây dựng tượng đài, trụ sở, trung tâm hành chính,... thì dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Cán bộ được gì trong chuyện xây dựng đó mà tìm mọi cách để “cố đấm, ăn xôi” như vậy?! 

Đọc thêm