Trẻ 5 tuổi bị kiến ba khoang cắn, bác sĩ cảnh báo những nguy hiểm

(PLVN) - Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
Trẻ bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã tiếp nhận bé trai L.V.L., 5 tuổi, trú tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, đến khám trong tình trạng tổn thương da 3 ngày. Một vài đám đỏ da rải rác vùng mặt, sau đó tổn thương xuất hiện ở nhiều vùng da khác như cổ tai, da sinh dục, kèm đau rát.

Theo lời kể, gia đình đã đưa trẻ khám ở y tế cơ sở, chẩn đoán trẻ mắc bệnh Zona. Sau khi bôi và uống thuốc, thương tổn không đỡ, mà càng lan ra nhiều vùng da hơn. Gia đình có 2 trẻ khác cũng mắc bệnh tương tự.

TS.BS Phạm Thị Mai Hương, Khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé L. bị viêm da tiếp xúc do côn trùng hoặc tên gọi khác là viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Kiến ba khoang có thân mình thon, dài như hạt thóc, có hai màu đỏ cam và đen, tạo thành các khoang đỏ cam và đen xen kẽ, hình dáng giống con kiến nên được gọi là kiến ba khoang. Một số tên gọi khác trong dân gian như kiến lác, kiến cằm cặp, kiến cong đít…

Loại kiến này thường sống ở ruộng lúa, vườn cây, cỏ mục, bãi rác, công trình xây dựng, xuất hiện nhiều vào mùa mưa, mùa ẩm. Kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn ban đêm, đặc biệt bóng điện cao áp. Chúng gây bệnh cho người thông qua bám đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn… hoặc tiếp xúc trực tiếp vào da.

Theo bác sĩ, biểu hiện viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường xuất hiện ở vùng hở như: mặt, cổ ngực, vai, gáy, tay chân, sau khoảng vài giờ tiếp xúc với kiến. Mức độ bệnh phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và nồng độ chất tiết của kiến ba khoang.

Phần tổn thương thường rát đỏ thành vệt, thành đám nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ li ti. Vùng trung tâm thương tổn hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Thương tổn tiếp tục xuất hiện mặc dù không còn hiện diện của kiến ba khoang do trẻ tiếp tục va quệt từ vùng da bệnh sang vùng da lành, những vùng nếp gấp còn thấy hình ảnh điển hình "tổn thương dạng hôn" (kissing lesion). Trẻ ngứa, rát bỏng hoặc đau tại chỗ nên có thể quấy khóc, hoặc sờ chạm vào tổn thương gây lây lan. Thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, người bệnh cần loại bỏ ngay kiến, không dùng tay trần để bắt, giết, miết, nên thổi hoặc dùng găng tay, tờ giấy để loại bỏ chúng. Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ như povidone iodine. Tuyệt đối không tự ý bôi đắp các loại tự chế như nhai gạo nếp, đậu xanh, kem đánh răng hoặc một số loại lá cây… làm bệnh nặng thêm và bội nhiễm.

Nếu thương tổn nhẹ, chỉ là những vệt đỏ khu trú, xử trí ban đầu tốt, khoảng 2-3 ngày bệnh đỡ. Nếu thương tổn nặng, lan rộng, đặc biệt ở những vị trí quanh mắt, hoặc có biểu hiện bội nhiễm, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế, tốt nhất là khám chuyên khoa da liễu.

Một số rất ít trẻ cần nhập viện, chỉ khi thương tổn lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến chức năng các hốc tự nhiên, bội nhiễm nhiều kèm theo sốt…

Trẻ viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang vẫn được tắm gội hàng ngày, tránh quệt từ thương tổn sang vùng da lành của trẻ hoặc da người chăm sóc. Cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo dài mỏng, chất liệu thấm, mát. Chế độ ăn uống bình thường, không kiêng bất kì loại thức ăn nào Thương tổn nhiều, lan rộng, nên cho trẻ nghỉ học để kiểm soát bệnh và tránh lây cho trẻ khác.

Để phòng tránh bị kiến ba khoang cắn, bác sĩ khuyến cáo gia đình hạn chế mở cửa, đặc biệt nhà gần cánh đồng, nhiều cây cối, gần bóng đèn cao áp. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, tắt bớt ánh sáng không cần thiết. Quần áo, khăn mặt phải giũ mạnh trước khi dùng, phơi quần áo trẻ không lộn phơi mặt tiếp xúc với da ra ngoài. Không dùng tay trần để bắt giết miết kiến ba khoang. Rửa ngay bằng nước sạch và xà phòng hoặc nước muối loãng khi thấy rát ngứa ở một vùng da.

Đọc thêm