Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Việt Nam có 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ cố gắng tiến hành đến cuối quý II/2022.
PGS. TS Dương Thị Hồng cho biết, các vaccine sử dụng tại Việt Nam đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế. Sau khi có giấy phép thì vaccine sẽ được đưa đến điểm tiêm chủng.
Về việc làm sao chống tiêm nhầm vaccine, bà Hồng cho hay, điều này đã có trong các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Có hướng dẫn cho từng khối lớp, nhóm tuổi nào tiêm vaccine đấy.
Đồng thời, sẽ tiêm cuốn chiếu theo khối lớp để hạn chế tối đa việc tiêm không chính xác mũi tiêm thứ 2.
Theo Tiến sĩ Lê Kiến Ngãi - Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ hệ thống văn bản an toàn tiêm chủng cho trẻ em, đảm bảo tiêm Vaccine cho trẻ là an toàn nhất.
Đối với trẻ lưu ý các mốc thời gian: 30 phút tại nơi tiêm chủng, 3 ngày sau tiêm, 1 tuần sau tiêm và 28 ngày sau tiêm, theo dõi cho trẻ để đảm bảo an toàn
Bên cạnh đó, cần thông tin theo dõi giữa nhà trường và gia đình để đảm bảo an toàn cho trẻ, quan sát diễn biến như: sốt, đặc biệt là sự thay đổi về niêm mạc mắt, màu sắc da của trẻ. Đặc biệt, theo dõi trong 3 ngày đầu, TS Ngãi khuyến cáo tránh cho trẻ vận động mạnh, hoạt động thể lực trong thời gian này.
TS. Ngãi cũng thông tin, đối với những trẻ đã mắc COVID-19 sau 3 tháng mới được tiêm vaccine. Vì khi khỏi COVID-19 sau 3 tháng thì trẻ đã suy giảm miễn dịch nên có thể tiêm được.
PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện Việt Nam đã nhận được lô Vaccine đầu tiên của Úc, dự kiến trong tuần tới sẽ triển khai tiêm vaccine cho trẻ trên toàn quốc. Đầu tiên sẽ tiêm cho trẻ lớp 6 sau đó mới tiêm cho trẻ lứa tuổi nhỏ hơn.
Về phản ứng sau tiêm của 2 loại Vaccine Pfizer và Moderna, bà Hồng cho biết, ghi nhận phản ứng sau tiêm sẽ giống như ở trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Bà Hồng lưu ý trước khi tiêm chủng, các bậc cha mẹ nên theo dõi sức khỏe trẻ như ăn ngủ, có gì bất thường hay không? Khi trẻ thực sự khỏe mạnh thì mới đưa các con đi tiêm. Những trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp thì không nên đi tiêm.
Các bậc phụ huynh phải chia sẻ những bệnh của trẻ, trẻ bệnh nền, mãn tính, thì nên đến các cơ sở y tế để tiêm. Trong quá trình tiêm chủng các bố mẹ cần tương tác đối với các bác sĩ. Sau tiêm, trẻ cần được theo dõi ít nhất 3 ngày. Trẻ thường bỏ qua các triệu chứng nên gia đình cần thường xuyên theo dõi, chủ động quan tâm để nắm được tình hình sức khỏe của trẻ.
"Sau tiêm theo dõi chặt trẻ trong 3 ngày đầu. Trong trường hợp phản ứng sau tiêm tăng lên thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay" - bà Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hồng, trẻ sẽ được tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần. Liều lượng mũi tiêm: Vaccine Pfizer có liều tiêm 02,ml, tiêm bắp; Vaccine Moderna tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại, tiêm bắp.
Trước băn khoăn tiêm vaccine có ảnh hưởng đến tuổi dậy thì của trẻ hay không, Tiến sĩ Lê Kiến Ngãi thông tin, hiện có 3 loại vaccine thế giới đã tiêm cho trẻ em, trong đó mRNA được hơn 50 quốc gia sử dụng. Việt Nam sẽ sử dụng loại vaccine này.
Vaccine mRNA có thành phần kháng nguyên kích thích hệ thống miễn dịch. Thành phần này chỉ vào tế bào chất, không đi vào nhân tế bào, do vậy không ảnh hưởng đến nhiễm sắc thể, không làm thay đổi ADN của con người.
Dù vaccine phát triển trong thời gian ngắn nhưng quá trình đưa ra sử dụng đã được kiểm định nghiêm ngặt, an toàn. Về mặt khoa học, các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm không làm ảnh hưởng đến yếu tố di truyền ở trẻ.
Theo Bộ Y tế, khoảng tháng 4/2022, sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Có 2 loại vaccine được quyết định tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là: Vaccine Moderna và Vaccine Pfizer.