Tháng Tám, những đợt gió Lào dường như nhẹ lại. Bên dòng Thạch Hãn, bức tượng đài vừa được hoàn thành cao sừng sững, lung linh giữa màu trời nước. Và đây đó những đóa hoa tươi, những ngọn nến đang được thả xuống dòng sông huyền thoại , thắp sáng ký ức hào hùng về một vùng đất thiêng Quảng Trị...
|
Đoàn báo Pháp luật Việt Nam thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị… |
Miền ký ức
Hơn 40 năm qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mảnh đất hoa lửa nay đã đổi thay: Màu xanh đã phủ lên những hố bom xưa, dòng Thạch Hãn đã trong xanh trở lại. Song, những địa danh Dốc Miếu, Đường 9 Nam Lào, sông Bến Hải, Thành Cổ… gắn liền với huyền thoại vẫn ngân vang mãi trong lòng người trên nhiều miền đất.
Từ bến thả hoa bờ bắc, ngược dòng sông Thạch Hãn về thị xã Quảng Trị đã hiển hiện một không gian tâm linh với các công trình kiến trúc: Bến thả hoa đôi bờ nam bắc, quảng trường, tháp chuông và Thành cổ Quảng Trị. Nơi được biết đến không chỉ là công trình thành lũy quân sự dưới thời Nguyễn (1809) mà còn là di tích lịch sử quốc gia, nơi diễn ra trận chiến ác liệt 81 ngày đêm với " mùa hè đỏ lửa ", "đại lộ kinh hoàng", là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối kẻ thù trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Giờ đây, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành mảnh đất thiêng trong lòng mỗi người dân, là một tượng đài bất tử được dựng lên bằng máu xương của lớp lớp cha anh, khắc ghi dấu ấn của dân tộc.
Nằm dưới dưới chân Thành Cổ, dòng Thạch Hãn vẫn hiền hòa chảy. Ngược thời gian về trước, đôi bờ Thạch Hãn đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom, 1.230.328 viên đạn pháo các loại và hơn 2.000 lượt máy bay oanh kích với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong thế chiến thứ hai. Và cũng nơi đây có khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Máu của các anh đã hòa vào sông nước, để người chiến sĩ năm xưa nghẹn ngào “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.”
|
Ngược dòng Thạch Hãn, nằm cách tháp chuông Thành cổ không xa, một tượng đài 20 giọt máu hồng - 20 ngọn lửa rực đỏ giữa trời xanh. Đó là Đài tưởng niệm 19 anh hùng liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Vào thời khắc lịch sử đêm 9-4-1972, Trung đội Mai Quốc Ca nhận nhiệm vụ đặc biệt - thọc sâu đánh chiếm cầu Thạch Hãn, chốt chặn đường rút lui của địch. Để rồi sau trạnh giao tranh ác liệt ấy, 19 chiến sĩ anh dũng hi sinh, một đồng chí bị thương và bị địch bắt. Chúng đem thi thể của các anh xếp thành hàng phơi nắng để phô trương chiến thắng.
Nằm trên tuyến Đường 9, Di tích nhà đày Lao Bảo cách Cửa khẩu Lao Bảo khỏang 3 km về phía Đông Nam trên địa bàn thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo. Nơi đây nguyên là vùng rừng núi chập chùng, hiểm trở, xa dân cư, thường biết đến là chốn “rừng thiêng, nước độc”. Khi đặt được ách thống trị lên xứ Trung Kỳ, thực dân Pháp chọn Lao Bảo Nhà đày Lao Bảo được chính quyền thực dân Pháp bắt tay vào xây dựng từ năm 1908.
Ngược ra phía bắc, là những cái tên như cầu Hiền Lương, Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Làng Vây, Khe Sanh… Con sông Bến Hải, giới tuyến của hai bờ Nam - Bắc suốt 21 năm. Đường 9 Nam Lào vẫn là con đường đầy hoa lau trắng ... Tất cả đã trở thành biểu tượng của khát khao thống nhất đất nước, trở thành niềm thao thức nơi bao trái tim của nhiều văn nghệ sĩ.
Vùng đất tâm linh
Dấu ấn Thành cổ với 81 ngày đêm trong mùa hè rực lửa, cùng với Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, nghĩa trang Trường Sơn trải rộng trên 23 quả đồi nơi thượng nguồn sông Bến Hải. Đây là nghĩa trang lớn nhất cả nước, với tổng diện tích 14ha, có 10.363 ngôi mộ, trong đó còn có 68 ngôi chưa xác định rõ tên. Nghĩa trang quốc gia đường 9 rộng gần 13ha với hơn 10 ngàn hài cốt liệt sỹ đã được quy tập. Nơi đây cũng còn nhiều hài cốt liệt sỹ chưa xác định được tên. Theo thống kê, số liệt sĩ đang yên nghỉ tại 72 nghĩa trang ở Quảng Trị lên tới gần 60 nghìn người.
|
Chăm sóc mộ phần các anh hùng, liệt sĩ |
Trong bảo tàng thành cổ Quảng Trị, một di vật của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh là lá thư dài 10 trang, được viết vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ, khi mà sự khốc liệt của cuộc chiến đã lên đến tột cùng. Anh viết trong dự cảm rằng, nay mai chiến tranh sẽ kết thúc, đất nước sẽ thái bình. Và chỉ sau ba ngày anh viết lá thư bằng dự cảm thiêng liêng ấy thành cổ Quảng Trị đã được giải phóng. Ai đọc bức thư cũng không kìm được nước mắt, thương cho anh, thương cho người vợ chỉ mới bén hơi chồng được bẩy ngày, nhưng phải mất tới 30 năm lặn lội đi tìn hài cốt người mình yêu thương...
Người dân thị xã Quảng Trị vẫn chưa quên câu chuyện về nhà thơ, nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhà báo thương binh Lê Bá Dương đã lặn lội từ xa về thăm đồng đội cũ vào một buổi chiều ngày 27 tháng 7 năm 1987. Anh đã cất công mua hết số hoa ở chợ rồi một mình lặng lẽ thả xuống dòng Thạch Hãn tưởng nhớ đồng đội mình khi anh trở về thăm chiến trường xưa. Nhập ngũ năm 15 tuổi, ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà) khi 15 tuổi “cộng” 49 ngày, anh Lê Bá Dương đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ.
Từ nghĩa cử thầm lặng đó, một lễ hội thả hoa tri ân đã hình thành vào dịp 27/7 hàng năm của không chỉ riêng nhân dân Quảng Trị mà còn dành cho đồng bào cả nước hướng về mảnh đất thiêng này. Một tấm lòng, một hành động đã có sức lan toả mạnh mẽ, lay động tâm thức của hàng trăm, hàng triệu người từ khắp mọi miền Tổ quốc để cùng hướng lòng mình về Quảng Trị. Giờ đây, hàng năm hàng năm, lớp lớp người Việt lại hành hương về Quảng Trị thắp nén tâm nhang bày tỏ cảm xúc và lòng biết ơn trước hàng vạn vong linh liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất máu và hoa này. Cùng với Nghĩa trang Trường Sơn, Thành Cổ Quảng Trị và dòng sông Bến Hải... những địa danh linh thiêng đã trở thành biểu tượng hào hùng của một thời máu lửa.
Đứng bên cầu Hiền Lương, biểu tượng của sự chia cắt trong chiến tranh ngắm nhìn dòng Bến Hải trong xanh, thấp thoáng trong chiều những thuyền ghe xuôi ngược, nghe những tiếp í ới gọi nhau lắng trong câu hát ngọt ngào, du khách bỗng thấy lòng dào dạt liên tưởng tới sự khốc liệt, hào hùng của quá khứ và một tương lai tươi đẹp đang hiện diện trên vùng đất này.
• Bài: Đào Thiện; ảnh:Phi Hùng