Gần đây, hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn và mức độ trắng trợn hơn. Đó là việc giang hồ Đồng Nai bao vây xe chở các sỹ quan công an; doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu cản trở cưỡng chế, đập phá phương tiện, kéo đến cơ quan công quyền đòi thả người; Thành phố Hồ Chí Minh có trường hợp 110 căn biệt thự xây “chui”; ở Bạc Liêu, 14 đối tượng giả danh nhân viên Công ty xổ số miền Bắc lừa cả Hội người mù và cả đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ còn bị nhiều người mạo danh làm... chuyện bậy,...
Do “nhờn luật” nên mới có chuyện làm bậy, làm liều như gian lận thi cử, thương mại, xây dựng trái phép, không phép, tuyển dụng người nhà, “nâng đỡ không trong sáng”, sai phạm trong sử dụng công quỹ, côn đồ lộng hành, “tín dụng đen” hoành hành, nạn bảo kê tác oai, tác quái,... và bao trùm lên hết thảy là tham nhũng và lãng phí trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như đời sống xã hội.
Ai cũng có thể hiểu được căn nguyên gây ra bệnh “nhờn luật”, đó là người quản lý buông lỏng quản lý, người có trách nhiệm mà vô trách nhiệm, người bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật, kỷ cương phép nước bị coi thường, đồng tiền lên ngôi và dường như nó giải quyết được mọi thứ, kể cả đạo lý, “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”!
Một nguyên nhân khác, rất quan trọng, đó là việc đảm bảo công bằng xã hội không được thực thi triệt để và coi trọng đúng mức. Hiện trạng “quan xử theo lễ, dân xử theo luật” vẫn còn hiện diện trong đời sống xã hội. Khi xã hội tiềm ẩn những bất công thì sự bất bình trỗi dậy và nó thể hiện bằng cách hành vi bất chấp pháp luật, “tự xử” hoặc nhờ đến các lực lượng sống “ngoài vòng pháp luật”.
Vụ các Thanh tra của Bộ Xây dựng vòi vĩnh đòi hối lộ ở Vĩnh Phúc chỉ là một phần của các khuất tất, “đi đêm” bị lộ sáng nhưng cũng đủ để lý giải chuyện các công trình xây dựng sai phép, không phép, bị “rút ruột” thê thảm có nguyên nhân từ đâu và tại sao cơ quan quản lý nhà nước hầu như bất lực trước tình trạng đó. Băm nát hoặc phá vỡ quy hoạch, chậm tiến độ và tăng vốn khủng khiếp mà không xử lý được cũng có những nguyên nhân từ đó, “há miệng, mắc quai” là thế!
Bệnh “nhờn luật” có thể trở thành “nan y” nếu không chạy chữa kịp thời bằng chính sức mạnh của pháp luật được trao vào tay những người đủ sức mạnh để sử dụng sức mạnh đó. Còn dễ dãi, xuê xoa, thỏa hiệp, không dám kỷ luật một ai, lo ngại không có người làm việc thì “nhờn luật” là tất yếu và không còn kỷ cương, phép nước nữa!