Trích "hoa hồng" cho cảnh sát xử phạt vi phạm giao thông là phản cảm?

Trước chuyện trích 70% tiền phạt vi phạm giao thông để lại cho Cảnh sát giao thông (CSGT), một loại ý kiến cho rằng, trích 70% như vậy là không nên vì sẽ làm ngân sách bị “chia năm xẻ bảy”. Loại ý kiến khác  thì đồng tình, vì hiện người tham gia giữ gìn TTATGT, đặc biệt là lực lượng CSGT đang phải chịu rất nhiều áp lực, cần có nguồn kinh phí để đầu tư thỏa đáng cho họ.

Trước chuyện trích 70% tiền phạt vi phạm giao thông để lại cho Cảnh sát giao thông (CSGT), một loại ý kiến cho rằng, trích 70% như vậy là không nên vì sẽ làm ngân sách bị “chia năm xẻ bảy”. Loại ý kiến khác  thì đồng tình, vì hiện người tham gia giữ gìn TTATGT, đặc biệt là lực lượng CSGT đang phải chịu rất nhiều áp lực, cần có nguồn kinh phí để đầu tư thỏa đáng cho họ.

Hình minh họa
Hình minh họa

Ngành nào cũng... trích lại?

Theo Thông tư 89 ngày 25/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa, việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính được trích 70% cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông (TTATGT); 10% cho lực lượng Thanh tra GTVT hoạt động tại địa phương để dùng cho công tác bảo đảm TTATGT của địa phương, 10% cho Ban An toàn giao thông của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác TTATGT tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn (trừ lực lượng Công an và Thanh tra GTVT địa phương). Như vậy, với quy định trên, phần thu phạt vi phạm hành chính chủ yếu được để lại cho lực lượng Công an, mà Công an tham gia bảo đảm TTATGT thì chủ yếu là CSGT.

Có ý kiến cho rằng, CSGT cũng là một lực lượng như rất nhiều lực lượng khác, thi hành nhiệm vụ thì được nhà nước trả lương, được trang bị phương tiện làm việc, hà cớ gì lại có một “cơ chế riêng” như vậy. Hơn nữa, vấn đề sử dụng số tiền này ra sao cũng  được dư luận quan tâm. Trong khi ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, có rất nhiều khoản phải chi, đặc biệt là chi một cách cấp thiết như chi đầu tư phát triển, chi cho bảo đảm an sinh xã hội…thì một nguồn tiền lớn như vậy lại được sử dụng cho riêng một lực lượng có thể gây nên những dị nghị không đáng có.

Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thế Kỳ phân trần: Nhiều người cho rằng số tiền 70% là trích cho SGT nhưng thực tế không phải vậy. Trong 70% số tiền  đó dùng phần lớn mua sắm phương tiện cho CSGT, một phần cho công tác phổ biến pháp luật về giao thông và chỉ một phần nhỏ bồi dưỡng trực tiếp cho CSGT và những người khác tham gia công tác đảm bảo TTATGT. “Như vậy tức là không phải toàn bộ số tiền 70% là cho CSGT” và “hiểu thế là không đúng” - ông Kỳ nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng xác nhận, 70% trong số tiền 2.540 tỷ đồng thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông được trích cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài chính cũng cho biết, không phải toàn bộ khoản 1.700 tỷ đồng này chỉ dùng để …bồi dưỡng lực lượng này mà còn là chi cho nhiều hoạt động khác như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT…

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu là số tiền nói trên không rót toàn bộ vào chế độ cho CSGT, nguyên nhân cũng là do quy định của pháp luật hiện chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập và quá trình thực thi cũng còn nhiều vấn đề. Ví dụ khoản tiền đó được sử dụng ra sao, phân bổ đến từng địa chỉ như thế nào, hiệu quả ra sao…? Nếu giả sử ngành nào khi xử phạt cũng được trích lại như vậy thì ngân sách nhà nước sẽ bị xé lẻ ra, khó khăn cho quản lý. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng, do được trích lại đến 70% số tiền nên nếu quản lý không tốt sẽ dẫn đến tình trạng “phạt theo chỉ tiêu” để phạt càng nhiều thì khoản được trích lại càng cao..

CSGT đang chịu nhiều áp lực

Tuy nhiên, dù nói gì đi nữa cũng phải thừa nhận thực tế rằng, CSGT hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực, nói như Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thì đó là áp lực của công việc; áp lực của sự tấn công của những người vi phạm sẵn sàng chống trả, nếu chúng ta xử lý nghiêm minh; tác động của sự mua chuộc của những người vi phạm muốn dùng tiền, quà để hối lộ những người CSGT; áp lực bởi thời tiết khắc nghiệt, môi trường làm việc; thời tiết như nắng, nóng, mưa, rét, gió, bụi, ồn.

Bộ trưởng Quang nhấn mạnh: “Mặc dù cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư, chăm lo chế độ, chính sách đối với lực lượng CSGT, cũng trang bị điều kiện phương tiện làm việc ngày càng tốt hơn nhưng có thể nói trong môi trường, điều kiện làm việc như thế lực lượng cảnh sát chịu rất nhiều áp lực”. Hay như cách nói của nhiều Đại biểu Quốc hội chỉ đơn giản “khi chúng ta ngủ thì họ thức, khi chúng ta ở trong nhà chăn ấm đệm êm thì họ phải đứng ngoài mưa…”.

Rất hiểu, rất thông cảm với CSGT khi làm nhiệm vụ, tuyệt đại đa số ý kiến cho rằng việc Nhà nước quan tâm, ưu đãi về chế độ chính sách, về trang thiết bị cho Cảnh sát giao thông cũng như một số lực lượng khác tham gia bảo đảm TTATGT không những là cần thiết mà còn là cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông như hiện nay, với cơ sở hạ tầng chưa được chưa được đầu tư tương xứng, sự phát triển nhanh chóng mặt của các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy …Tuy nhiên, đầu tư không có nghĩa là trích lại như cách đang làm mà phải được thu gọn về một mối, sau đó ngân sách nhà nước sẽ phân bổ lại. Như vậy, vấn đề là ở phương thức thực hiện mà thôi…/.

•    Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận:

Nếu bỏ thì cần có cơ chế khác đầu tư cho anh em

- Hiện nay, chế độ cho CSGT - dù đã được cải thiện  - vẫn còn nhiều bất cập, anh em làm nhiệm vụ rất khó khăn, vất vả, nhiều hiểm nguy nên cần có những chế độ đặc thù. Nếu bỏ quy định trích lại 70% tiền thu phạt vi phạm hành chính như hiện nay thì cần có một cơ chế khác đầu tư cho anh em, về chế độ cũng như phương tiện, trang thiết bị làm việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân để người làm công tác tuần tra giao thông đỡ đi phần nào áp lực.
•    Ông Bùi Văn Xuyền, Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình:

Quan trọng nhất là phải minh bạch trong sử dụng

- Quan trọng nhất là phải minh bạch trong sử dụng nguồn tiền 70% này vì đó là nguồn ngân sách rất lớn mà đáng lẽ ra phải vào ngân sách để ngân sách điều tiết lại thì sẽ đảm bảo hài hòa hơn. Cũng phải nói thêm là Thông tư 89 ban hành từ năm 2007, tức là việc thực hiện văn bản này đã kéo dài đến 5 năm, từ ngày xưa chúng ta vẫn có chủ trương ưu tiên người trực tiếp đi làm, điều đó đúng nhưng chính sách không nên kéo dài quá lâu. Nếu ngành nào cũng để lại như vậy thì ngân sách sẽ bị chia cắt, dẫn đến mạnh ai người đó làm, như thế thì quản lý nhà nước sẽ kém hiệu quả. Tôi ủng hộ việc tăng đầu tư cho CSGT vì áp lực công việc lớn, nhưng  vấn đề là phương thức phải làm sao cho bài bản, khoa học, bảo đảm quản lý nhà nước về ngân sách, thực thi pháp tốt hơn, minh bạch hơn, nếu không sẽ bị méo mó …

•    Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội):

Trích lại là rất phản cảm

Vấn đề này tôi nói lâu rồi, từ khi tôi còn ở HĐND TP. Cơ chế cho trích lại 70% tiền phạt là rất phản cảm, khiến nhiều người dân có ý kiến, vì chính sách này mà có người còn nói đến chuyện khoán phạt trên đầu mũ, rồi hiểu nhầm tất cả tiền đó để bồi dưỡng cho CSGT. Để người ta hiểu như vậy rất ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an.
Về nguyên tắc , tiền thu phạt từ vi phạm hành chính phải được nộp về ngân sách nhà nước và nhà nước sẽ điều hành chứ không nên hưởng theo phần trăm như vậy. Tôi cũng tán thành cao việc nhà nước quan tâm, đầu tư cho lực lượng CSGT trên mọi mặt, về phương tiện, trang thiết bị làm việc, chế độ đãi ngộ nhưng không nên làm theo cách như hiện nay. Tới đây khi sửa đổi Luật Ngân sách cũng cần quy định rõ vấn đề này theo nguyên tắc tất cả các tiền thu phạt vi phạm hành chính đều phải nộp vào ngân sách.

Nhóm PV nội chính

Đọc thêm