Toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đánh giá, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn.
Chương trình hướng tới mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 mà QH đã thông qua. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp) cũng đánh giá, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hết sức thiết thực, mang tính cấp bách để Việt Nam phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định đất nước sau đại dịch COVID-19. “Đây là việc rất cần thiết, được người dân đồng tình, ủng hộ; bản thân tôi cũng rất tâm đắc. Việc này cho thấy Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm tới người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan, kinh tế kiệt quệ, xã hội khó khăn trên tất cả các lĩnh vực”, Đại biểu Hòa nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất các cấp, các ngành, các địa phương tập trung cao độ, khẩn trương triển khai thực hiện nhanh và hiệu quả, bám sát 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra. Ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Công điện số 126/CĐ-TTg gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương yêu cầu đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. “Có thể nói, đây là chương trình thực hiện đồng thời nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện “bình thường mới”, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có phân công, phân nhiệm rõ ràng theo thẩm quyền các bộ, ngành và địa phương”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhận định.
Nêu cao trách nhiệm, lấy chất lượng làm thước đo
Qua theo dõi thực tế, ông Nguyễn Chu Hồi đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã sâu sát từng đầu việc, đồng thời cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, đánh giá lại từng nhóm nhiệm vụ và giải pháp ngay ngoài hiện trường. Trên cơ sở đó, bàn thảo và quyết định điều chỉnh kịp thời hoặc cho phép thực hiện các cơ chế, giải pháp mới, bổ sung dựa trên nguyên tắc hiệu quả và tính trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
“Thời gian thực hiện chưa nhiều, nhưng với phong cách làm việc mới, cụ thể, rõ ràng, minh bạch, Chính phủ sẵn sàng giao hoặc phân cấp thẩm quyền giải quyết cho các bộ, ngành và địa phương theo nguyên tắc “quyền hạn đi đôi với trách nhiệm”. Chính phủ và QH cũng phối hợp nhịp nhàng trong tháo gỡ các khó khăn, ách tắc. Việc đầu tư không dàn trải, ưu tiên theo phân kỳ và chất lượng công việc/dự án, xác định rõ đối tượng hưởng lợi, trong đó ưu tiên cho những người lao động thu nhập thấp, người chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19, các dự án mang tầm chiến lược quốc gia...”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đánh giá.
Từ cách làm và kết quả ban đầu của Chính phủ đã tạo được niềm tin của xã hội, tạo chuyển biến về nhận thức và phong cách thực hiện nhiệm vụ trong các bộ, ngành và địa phương, cũng như đặt ra cơ chế rõ ràng hơn với doanh nghiệp trong một “sân chơi” công bằng hơn, minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chu Hồi cũng chỉ ra rằng, việc “thay cũ, đổi mới” luôn không hề đơn giản, có thể sẽ còn một số vấp váp, phải chỉnh đốn đội ngũ…
“Phải nêu cao tính trách nhiệm, phải bình đẳng và lấy chất lượng làm thước đo theo cách tiếp cận dựa vào mục tiêu. Trên cơ sở đó, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các tổ chức, các dự án... Hướng vào người dân, giải phóng sức dân, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, huy động tối đa nguồn lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực tốt các nhiệm vụ và giải pháp đặt ra với khát vọng bứt phá phải được xem là những nguyên tắc cơ bản”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.