Triển khai nhiều giải pháp cấp điện ổn định tại khu nuôi trồng thủy sản ‘vùng cát trắng’

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là địa phương có bờ biển dài, vùng ven biển cát trắng của Quảng Bình đã và đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên cát. Tuy nhiên, bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu phụ tải tăng cao đòi hỏi ngành điện tỉnh này phải luôn đặt trong tư thế cấp điện ổn định cho khách hàng. 
Vệ sinh hotline đảm bảo cấp điện ổn định cho khu vực nuôi tôm Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.
Vệ sinh hotline đảm bảo cấp điện ổn định cho khu vực nuôi tôm Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.

Quảng Bình có bờ biển dài hơn 126 km kéo dài từ chân đèo Ngang (huyện Quảng Trạch) đến vùng biển Ngư thủy (huyện Lệ thủy). Đường bờ biển kéo dài qua 18 xã trong đó diện tích đất cát ven biển tập trung tại 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Tại các khu vực này, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản như mô hình nuôi tôm trên cát đã được người dân áp dụng đem lại giá trị kinh tế cao và từng bước được nhân rộng, phát triển. Tuy nhiên, khi bước vào mùa nắng nóng nhu cầu về việc sử dụng điện tại khu vực nuôi trồng thủy sản cũng đòi hỏi rất lớn.

Để chủ động trước nhiệm vụ khó khăn trong việc cấp điện ổn định và đảm bảo chất lượng điện năng phục vụ nhu cầu phụ tải tăng cao mùa nắng nóng, ngay từ quý 1 năm 2021, Điện lực Quảng Ninh đã triển khai thi công công trình sửa chữa lớn với khối lượng thay 4.404m dây XLPE/AC-50, 3.376m dây XLPE/AC-70, 9.551m dây XLPE/AC-120, thay 41 bộ xà các loại, 14 chụp đầu cột, 104 chuỗi polyme, 264 sứ đứng 24kV.

Đồng thời, đơn vị cũng lên phương án cân pha, san tải các trạm biến áp lệch pha, thực hiện hoán chuyển trạm biến áp Xuân Dục 5 và Cổ Hiền 1 ngày 06/2 để chống quá tải Trạm Cổ Hiền 1, đảm bảo vận hành cấp điện cho phụ tải cao khu vực xã Hiền Ninh. Lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo phòng Kế hoạch – Kỹ thuật phối hợp với Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp cùng Tổ quản lý các khu vực để thực hiện rà soát tính trạng hoạt động các tụ bù hạ thế trên lưới, theo dõi thông số vận hành trên hệ thống đo xa DSPM để đưa ra phương thức vận hành tụ bù hợp lý và hiệu quả, tránh hiện tượng bù dư, bù thiếu gây ảnh hưởng đến chất lượng điện năng.

Vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tại các khu vực nuôi trồng thủy sản lại tăng cao và đòi hỏi sự ổn định.
 Vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tại các khu vực nuôi trồng thủy sản lại tăng cao và đòi hỏi sự ổn định.

“Ngoài việc triển khai những phương án tích cực về mặt kỹ thuật nhằm góp phần giảm bớt “áp lực” cấp điện mùa nắng nóng này, Điện lực Quảng Ninh tích cực tuyên truyền tiết kiệm điện đến bà con bằng các hình thức như rải truyền tin, đăng bài tuyên truyền trên các trang thông tin đại chúng, trang mạng xã hội về tiết kiệm điện và phương pháp sử dụng điện hợp lý.” ông Phạm Ngọc Hoài – Giám đốc Điện lực Quảng Ninh cho biết.

Với các nỗ lực đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Quảng Ninh nói riêng đến nay, tình hình cấp điện đã được cải thiện đáng kể, tình trạng quá tải cục bộ trạm biến áp và đường dây đã được tập trung khắc phục, sản lượng cung cấp đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi tôm.

“Trong những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện của Điện lực Quảng Ninh, bà con nuôi tôm khu vực thôn Tân Định chúng tôi rất yên tâm về vấn đề cấp điện để làm ăn, đặc biệt là mùa nắng nóng này tôi cũng như bà con không phải lo mất điện, nếu có mất điện thì có thông báo trước và thời gian không lâu nên bà con rất mừng, phấn khởi.” Một hộ nuôi tôm khu nuôi trồng thủy sản Thanh Hương cho biết.

Kỳ vọng, với trách nhiệm cao trong vấn đề cấp điện ổn định mùa nắng nóng và tinh thần luôn chủ động trong thực hiện các giải pháp chuyên môn, ngành điện Quảng Bình nói chung và khu vực huyện Quảng Ninh nói riêng sẽ phấn đấu đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho địa phương, đặc biệt cho các vùng nuôi trồng thủy sản trong mùa nắng nóng như hạn hiện nay.

Đọc thêm