Triển lãm Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn

(PLO) - Ngày 28/4, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đã tổ chức triển lãm với chủ đề “Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn”.
Lễ cắt băng triển lãm Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn.
Lễ cắt băng triển lãm Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn.

Châu bản triều Nguyễn là tập hợp các văn bản hành chính của triều Nguyễn bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ…, được đích thân hoàng đế ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… đến các cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Với những giá trị nổi bật đáp ứng các tiêu chí về nội dung và các hình thức như tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế. Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2014.

Du khách tham quan tại triển lãm
Du khách tham quan tại triển lãm

Với trên 100 phiên bản tiêu biểu được lựa chọn từ 773 tập Châu bản gốc (khoảng 85.000 văn bản trên 400.000 trang tài liệu) bao gồm nhiều loại hình văn bản khác nhau như: Chiếu, chỉ, dụ, chế, sắc phong do hoàng đế ban hành; Công đồng truyền, Công đồng sai, Công đồng phó, Công đồng di, Công đồng khâm chỉ khiến do Hội đồng các đình thần ban hành; tấu, phiến, phúc, biểu, khải, bẩm, thân, kê, truyền thị, tư di, tư trình… được ngự phê bằng bút pháp tinh hoa, nét chữ đa dạng và được đóng dấu bởi hệ thống ấn triện phong phú, thể hiện trên chất liệu giấy đặc trưng truyền thống.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố Đô Huế phát biểu khai mạc
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố Đô Huế phát biểu khai mạc

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Cuộc triển lãm này sẽ là dịp để công chúng phần nào hiểu sâu hơn về chức năng, cách thức sử dụng của Châu bản triều Nguyễn. Qua đó chung tay góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Hy vọng đây sẽ là một chuyên đề trưng bày mới, hấp dẫn, thú vị đối với du khách tham quan, nghiên cứu, học tập.”

Đọc thêm