Triển vọng từ những nghiên cứu tìm thuốc chữa Covid-19

(PLVN) - Hơn 30 nghiên cứu đang được tiến hành ở Pháp nhằm tìm kiếm loại thuốc điều trị được bệnh Covid-19 đang càn quét khắp thế giới. Trong khi đó, Anh cũng đang chuẩn bị thu thập máu từ những người sống sót sau khi bị nhiễm bệnh Covid-19 để nghiên cứu xem việc truyền huyết tương có thể cải thiện tốc độ phục hồi và cơ hội sống sót của bệnh nhân bị nhiễm bệnh hay không.
Ảnh minh họa

860 nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19

Theo AFP, Florence Ader - nhà truyền nhiễm học Pháp - tại một cuộc họp báo cho hay, việc nghiên cứu loại thuốc điều trị được bệnh Covid-19 đang được tiến hành “cực kỳ tích cực” ở Pháp, với 30 nghiên cứu đang được tiến hành, liên quan đến 1.600 bệnh nhân.

Bản thân bà Ader đang dẫn đầu một nghiên cứu có tên Discovery với sự hợp tác của một số quốc gia châu Âu khác. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng 4 phương pháp điều trị Covid-19 tiềm năng, bao gồm hydroxychloroquine gây tranh cãi. 

Trong số khoảng 3.200 bệnh nhân tham gia thử nghiệm ở châu Âu, ít nhất 800 người đang ở Pháp. Tất cả đều đang ở trong bệnh viện và bị bệnh Covid-19 nặng. Trên thế giới, tổng cộng đang có khoảng 860 nghiên cứu về các phương pháp điều trị Covid-19 được tiến hành.

Khoảng 150 dự án đang tìm cách phát triển một loại vaccine chống lại virus Corona chủng mới. Theo bà Ader, Viện Nghiên cứu Pasteur uy tín của Pháp sẽ thực hiện các thử nghiệm trên người vào mùa hè này. 

Tại Anh, người phát ngôn từ Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết, Cơ quan phụ trách về Máu và Ghép tạng của NHS đang chuẩn bị thu thập huyết tương từ những người đã khỏi bệnh Covid-19. Theo đại diện của cơ quan phụ trách về Máu và Ghép tạng của NHS, nếu được chấp thuận hoàn toàn, các thử nghiệm này sẽ điều tra xem liệu truyền huyết tương có thể cải thiện tốc độ hồi phục và cơ hội sống sót của bệnh nhân Covid-19 hay không.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng vừa thông báo, 2 nhóm nghiên cứu Anh đã đạt những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển vaccine Covid-19. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở London, ông Hancock cho hay, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Hoàng gia London và Trường Đại học Oxford đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm với vaccine tiềm năng. 

Theo Bộ trưởng Anh, trong tuần này, nhóm nghiên cứu của Trường Oxford với sự hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Quản lý Dược và các Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe (MHRA) sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người. Chính phủ Anh hỗ trợ 25 triệu USD cho nghiên cứu này.

Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/4 cho biết sẽ khởi xướng sáng kiến hợp tác mang tính quyết định nhằm thúc đẩy việc phát triển các loại thuốc cũng như các phương pháp xét nghiệm và vaccine an toàn và hiệu quả để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh Covid-19.  

Nhiều ca nhiễm bệnh “thầm lặng”

Trên toàn thế giới, đến nay thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.715.614 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 190.422 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Virus này đã gây tác hại kinh tế và xã hội gần như chưa từng có kể từ khi sự tồn tại của nó được báo cáo vào đầu tháng 1 vừa qua.

Dựa trên các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, giới chức y tế cho rằng virus SARS-CoV-2 thường gây ra bệnh nhẹ như cúm nhẹ hoặc trung bình. Tuy nhiên, đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có số lượng đáng kể những người mắc bệnh nhưng có thể không có triệu chứng nào cả.

AP cho biết, trong tuần trước, đã có những báo cáo về những ca nhiễm bệnh “thầm lặng” – tức những người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 mà không có bất kỳ triệu chứng nào - từ một khu nhà dành cho người vô gia cư ở thành phố Boston, trên một tàu sân bay của Hải quân Mỹ, những phụ nữ mang thai tại một bệnh viện ở New York, tiểu bang California và một vài nước châu Âu.

Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) trong một phát biểu cho hay, 25% người nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng. Còn Tướng John Hyten - Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - cho rằng con số này có thể lên tới 60% đến 70% trong số các quân nhân.

Những nghiên cứu này đã dấy lên hy vọng rằng căn bệnh Covid-19 có thể ít gây chết người hơn lo sợ ban đầu. Có điều, phát hiện trên cũng có nghĩa là mọi người có thể không thể biết xung quanh mình liệu có ai đó có thể đã nhiễm virus hay không. Điều đó sẽ làm phức tạp các quyết định về việc trở lại làm việc, mở cửa lại trường học và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

WHO ngày 21/4 cũng cảnh báo rằng bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 phải thực hiện dần dần và nếu những hạn chế được dỡ bỏ quá sớm sẽ dẫn tới làn sóng tái bùng phát dịch bệnh.