Nghe chung chung vậy thôi chứ thực chất ở đây là chuyện cấm phụ nữ theo đạo Hồi trong y phục trùm phủ kín người hoặc che mặt xuất hiện ở ngoài đường và những nơi công cộng. Y phục như thế được coi là một trong những biểu tượng đặc trưng cho đạo Hồi. Luật của đạo Hồi quy định người phụ nữ phải che kín, trùm phủ toàn thân như vậy khi ra khỏi nhà. Tức là tôn giáo và tín ngưỡng này quy định như thế.
Chính quyền và đảng phái chính trị ở nhiều nước châu Âu từ nhiều năm nay đã tìm nhiều cách để loại trừ những biểu tượng đặc trưng của đạo Hồi ở nơi công cộng. Họ e ngại những biểu tượng này không chỉ xác định sự hiện diện mà còn là một cách truyền giáo của đạo Hồi, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đạo Hồi. Vì thế họ tìm cách chống. Vì không cấm được đạo Hồi nên họ chuyển sang cấm những biểu tượng của đạo Hồi ở nơi công cộng.
Ở Thụy Sỹ, Pháp, Đan Mạch hay một số nước châu Âu khác đều như thế. Họ viện dẫn là y phục như thế là một rủi ro đối với an ninh và trật tự công cộng. Theo những luật cấm này, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền, chẳng hạn như ở Đan Mạch mức phạt tương đương 124 Euro, nếu vi phạm đến lần thứ 3 thì mức phạt tăng lên gấp 10 lần. Cách suy tính mức phạt ở đây là nhằm vào “của đau con xót” chứ không phạt tù. Nếu phạt tù thì không thể phạt tù lâu và lại còn gây tốn kém cho nhà nước vì phải nuôi dưỡng thêm tù nhân.
Nội dung đơn giản vậy thôi nhưng những luật cấm như thế này ở các nước đều là những bộ luật rất lớn về chính trị, là chuyện tày đình chứ không phải đơn giản vì thực chất đằng sau là quan điểm thái độ thù địch đạo Hồi, chống và bài xích đạo Hồi, phân biệt đối xử tôn giáo, không thể được coi là tôn trọng tự do tín ngưỡng, vi phạm dân chủ và nhân quyền rành rành. Nó cho thấy chính quyền và đảng phái chính trị ở nhiều nước châu Âu đạo đức giả trong chuyện này.
Vậy mà luật lớn ấy lại thua một cái lệ bé, ít nhất thì cũng cho tới thời điểm hiện tại. Chẳng là ở Pháp có một nhà triệu phú người Pháp gốc Angeri tên là Rachid Nekkaz. Ông ta tuyên bố là sẽ trả tiền phạt thay cho những người phụ nữ theo đạo Hồi mặc y phục trùm kín toàn thân hay che kín mặt bị phạt tiền bởi luật trên. Hơn 1.500 người ở Pháp và Thuỵ Sỹ cho tới nay đã được ông ta nộp phạt thay.
Cái lệ ở đây không chỉ đơn thuần là trả tiền nộp phạt thay ở các nước châu Âu mà còn là dùng việc nộp phạt này để biểu thị thái độ bất bình, tuân thủ pháp luật hiện hành mà vô hiệu hoá tác động và tác dụng của pháp luật ấy. Cách làm này của nhà triệu phú đã biến bộ luật mới trở thành chẳng khác gì một trò cười. Nó làm cho thiên hạ để ý nhiều hơn đến chuyện cấm đoán và phân biệt đối xử tôn giáo này.
Ông Rachid Nekkaz cho biết ngày 11/9 tới sẽ đích thân sang Đan Mạch để nộp tiền phạt thay cho những người phụ nữ theo đạo Hồi đầu tiên ở Đan Mạch bị phạt tiền theo quy định của đạo luật mới nói trên của Đan Mạch.
Người ngoài có thể phê trách nội dung của luật này hay luật kia ở quốc gia nào đó trên thế giới, nhưng không thể phủ nhận việc lập pháp thuộc chủ quyền của quốc gia. Nhưng cái lệ nhỏ mà ông Rachid Nekkaz tạo nên kia đã làm cho việc thực hiện luật không còn mang tính quốc gia nữa. Cả điều này cũng làm cho bộ luật liên quan bị phản tác dụng.
Chính giới ở Đan Mạch hiện có vẻ rất hậm hực về ông Rachid Nekkaz và đang tính đến việc sửa đổi luật kia theo hướng không phạt tiền nữa mà phạt tù hoặc lao động công ích bắt buộc. Họ lập luận là khi ấy nhà triệu phú kia không thể ngồi tù thay hay lao động công ích thay được. Nhưng vì đã có luật thì sẽ có lệ nên luật mới thì rồi cũng sẽ sản sinh ra lệ mới./.