Triệu tập Phó tổng giám đốc Alibaba, hàng trăm người đến PC03 báo án

(PLVN) - Chiều qua (20/9), lực lượng cảnh sát tiếp tục tới chi nhánh Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại đường số 5, phường Linh Chiểu (quận Thủ Đức, TP HCM) thực hiện việc khám xét. CQĐT cũng triệu tập bà Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó TGĐ phụ trách đối ngoại và đào tạo của Alibaba) để đối chiếu, làm rõ một số vấn đề.
Lực lượng cảnh sát khám xét chi nhánh Alibaba chiều 20/9 (Hình: VnExpress.net).
Lực lượng cảnh sát khám xét chi nhánh Alibaba chiều 20/9 (Hình: VnExpress.net).

Động thái này được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế - buôn lậu (PC03) Công an TP HCM đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Alibaba. Cảnh sát bước đầu xác định có hơn 6.700 nạn nhân bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 2.500 tỷ đồng.

Trong đó, Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT) được cho là có vai trò cầm đầu, chỉ đạo em trai Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, TGĐ) dùng danh nghĩa cá nhân để nhận chuyển nhượng, thu gom lượng lớn đất nông nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... Tiếp đó, Lĩnh dùng pháp nhân Công ty Alibaba và các công ty con lập hàng chục dự án "ma", quảng cáo rầm rộ rồi phân lô bán trái luật; hoặc huy động vốn của hàng nghìn người.

Điển hình như tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 8 khu đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm với hơn 70 ha do các cá nhân đứng tên đã được ủy quyền cho công ty con của Alibaba. Hay tại tỉnh Đồng Nai, tất cả 29 dự án bất động sản với gần 80 ha của Alibaba tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc đều làm "lậu". Các địa phương đã cắm bảng hiệu cảnh báo người dân biết phòng tránh nhiều năm nay.

Cũng trong ngày hôm qua, hàng trăm người đã đến trụ sở PC03 trên đường 3/2, quận 10, nhận là nạn nhân của Alibaba, mang theo hợp đồng, giấy chuyển tiền và các tài liệu thể hiện đã giao dịch với Alibaba. CQĐT phải huy động cán bộ, kê thêm nhiều bàn tròn lớn ngay cổng ra vào để hướng dẫn người dân trình báo.

Như PLVN đã phản ánh, ngày 18/9, Công an TP HCM đã khám xét trụ sở Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Sau nhiều tiếng khám xét các trụ sở và chi nhánh của công ty này, lực lượng chức năng thu giữ lượng lớn tài liệu, đồ vật, tiền, vàng, tài sản... được cho là tang chứng, vật chứng vụ án. Cảnh sát phải dùng năm ôtô mới chở hết về CQĐT.

Thế nhưng một ngày sau đó, ngày 19/9, Alibaba vẫn tổ chức buổi gặp khách hàng để khẳng định "tiền đầu tư không mất đâu cả". Theo ghi nhận, lời trấn an của đại diện DN này vẫn không làm yên tâm nhiều khách hàng đã rót tiền vào đây.

Một số người đến PC03 Công an TP HCM tố cáo Alibaba
Một số người đến PC03 Công an TP HCM tố cáo Alibaba

Một khách hàng cho biết mua hai lô đất nền tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Hàm Tân (Bình Thuận) cách đây không lâu. Theo hợp đồng, đây là đất trồng cây lâu năm và có thể chuyển đổi thành đất thổ cư. Nhưng thực tế hiện trạng khu đất này có mục đích sử dụng khác và Sở TN&MT không cho phép chuyển đổi.

"Tôi ăn dầm nằm dề ở trụ sở công ty gần một tháng nay để yêu cầu giải quyết nhưng không được trả lời thỏa đáng. Trong trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện tiếp hợp đồng, công ty phải trả cho tôi 100% số tiền đã thanh toán và bồi thường 150% lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm của Ngân hàng ACB", vị này nói.

Trả lời yêu cầu này, bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó TGĐ đối ngoại Alibaba, cho rằng “các dự án của DN đều căn cứ vào quy hoạch của địa phương để thực hiện. Nội dung thỏa thuận trong hợp đồng là câu chuyện trong tương lai, còn thắc mắc khách hàng được cơ quan chức năng giải đáp là hiện trạng thực tế nên bất nhất là hiển nhiên”.

Bà Như nói thêm, tài khoản của DN này đang bị phong tỏa nên “không biết chính xác thời điểm nào có thể thanh toán lãi suất cho khách hàng”.

Một trường hợp tương tự là vị khách ngụ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến nay cũng chưa nhận được lãi suất như thỏa thuận. Theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với một công ty thành viên của Alibaba, vị này thanh toán 95% giá trị ba lô đất tại dự án Alibaba Center City 5 huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) với số tiền 1,1 tỷ đồng. Giá mua mỗi lô đất vào cuối tháng 7 năm ngoái dao động 370 - 380 triệu. 

Alibaba cam kết bàn giao nền đất cho ông sau sáu tháng ký hợp đồng. Nếu không thực hiện đúng hạn, DN chịu phạt 150% lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm trên số tiền thanh toán thực tế. 

Theo hợp đồng, vị khách chọn quyền thu lại lợi nhuận 12% sau 6 tháng. Điều này đồng nghĩa chậm nhất đến cuối tháng 1/2019, DN phải mua lại các lô đất với lãi suất thỏa thuận. "Tôi nhiều lần liên hệ với lãnh đạo công ty nhưng chỉ nhận được sự thoái thác, hứa hẹn nhiều lần và không có thiện chí giải quyết", ông nói và cho hay đã thuê luật sư làm thủ tục khởi kiện DN này lên TAND quận Bình Thạnh.

Hiện Công an TP HCM đang phối hợp với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... mở rộng vụ án, xem xét trách nhiệm một số công ty liên quan địa ốc Aliababa trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trái phép.

Nhận định về khả năng thu hồi các khoản đầu tư vào Địa ốc Alibaba, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng rủi ro thuộc về khách hàng khá lớn bởi hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký kết với Địa ốc Alibaba hoặc các công ty thành viên đều vô hiệu. Cụ thể, hợp đồng có thể hiện quyền, nghĩa vụ của bên mua và bên bán nhưng các dự án và mã lô đất do DN này tự vẽ bản đồ quy hoạch, không được cấp phép, không có vị trí ngoài thực địa dẫn đến vô hiệu. Nếu hợp đồng chính bị vô hiệu thì “hợp đồng quyền chọn” cũng không còn giá trị pháp lý. 

Mô hình hoạt động của Địa ốc Alibaba là không có đất mà chỉ hợp tác phát triển dự án với các cá nhân có quyền sử dụng đất. Sản phẩm được định giá rẻ hơn 20-30% so với thị trường, sau đó DN này cam kết mua lại với lãi suất hấp dẫn. Khi đến hạn trả gốc và lãi suất theo thỏa thuận, DN này bị cho là cố tình kéo dài hoặc không thanh toán. Một số nhà đầu tư rất khó khăn mới nhận lại tiền, thậm chí bị ép dùng khoản tiền đó đầu tư tiếp vào dự án khác.

Đọc thêm