Triều Tiên hướng tới một xã hội không sử dụng tiền mặt?

(PLVN) - Triều Tiên được cho là đang thúc đẩy các hoạt động kinh tế thông qua công nghệ tài chính mới, tờ The Diplomat dẫn các nguồn tin cho hay.
Triều Tiên được cho là cũng đang hướng tới nền kinh tế không sử dụng tiền mặt. Ảnh minh họa
Triều Tiên được cho là cũng đang hướng tới nền kinh tế không sử dụng tiền mặt. Ảnh minh họa

Thông tin đáng chú ý

Theo The Diplomat, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang đẩy nhanh các nỗ lực nhằm hướng tới một xã hội không sử dụng tiền mặt. Trung Quốc có thể được xem là một ví dụ điển hình. Tại Trung Quốc, không chỉ các trung tâm thương mại hay các chuỗi cửa hàng lớn mới sử dụng điện thoại di động như một phương thức thanh toán mà các nhà hàng, tiệm sách, tiệm cà phê hay thậm chí các khu chợ truyền thống hay những người bán hàng ven đường cũng đã chấp nhận thanh toán qua điện thoại di động.

Những cảnh tượng tương tự có thể nhìn thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, thông tin cho rằng trong số những nước đang hướng tới một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt như vậy có Triều Tiên - một trong những nước bị cô lập nhất thế giới - vẫn khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Theo tờ Daily NK của Hàn Quốc, một số người Triều Tiên có vẻ như cũng đang sử dụng điện thoại di động như một loại hình tiền tệ và là một trong những cách thức để họ tiến hành các giao dịch thương mại. Cụ thể, tờ Daily NK dẫn lời một nguồn tin giấu tên ở tỉnh Nam Pyongan của Triều Tiên cho biết những người sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp thiết bị viễn thông không dây Koryolink của Triều Tiên có thể được gọi miễn phí 200 phút mỗi tháng nếu trả 2.850 won cho một quý.

Điều thú vị ở đây là theo nguồn tin, trên số phút gọi đó có thể trao đổi được và ngày càng có nhiều người sử dụng số phút này như một phương tiện thanh toán hoặc quy đổi thành tiền mặt. Cụ thể, nguồn tin cho biết, để có thể gửi số phút gọi miễn phí cho người khác, những người sử dụng dịch vụ sẽ gõ 3 chữ đầu tiên trong số điện thoại của người gửi và số điện thoại của người nhận. Sau đó, người sử dụng có thể gửi số phút gọi cho người kia thông qua tin nhắn trên điện thoại.

Một số người ở Triều Tiên đang sử dụng cách thức này để chuyển tiền cho người ở những khu vực xa xôi. Tại một số khu vực như tỉnh Bắc Hamgyong, người dân Triều Tiên cũng đang sử dụng cách chuyển phút gọi này như một phương tiện để trả tiền mua các loại hàng hóa ở chợ.

Tuy nhiên, vì nguồn tin của tờ Daily NK chỉ ở một số tỉnh tại Triều Tiên nên không rõ liệu phương thức giao dịch như trên đã được sử dụng rộng rãi trên khắp Triều Tiên hay không và cũng còn quá sớm để có thể kết luận rằng đây là một xu hướng đang gia tăng mạnh mẽ ở nước này.

Thành công từ mô hình Kenya

Song, các thông tin trên cũng đã dấy lên những so sánh thú vị về cách thức chuyển tiền thông qua điện thoại di động ở các nước khác. Lấy ví dụ về sự thành công của phương thức chuyển tiền qua điện thoại di động ở Kenya - được xem là một trong những nước đi đầu trong quá trình hướng tới một xã hội không sử dụng tiền mặt.

Câu chuyện ở Kenya bắt đầu vào năm  2007, khi hệ thống ngân hàng ảo M-Pesa được ra mắt, cung cấp các dịch vụ chuyển tiền thông qua một chiếc thẻ SIM. Sau khi chiếc thẻ SIM  đó được lắp vào điện thoại di động, người sử dụng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán và chuyển tiền cho những người bán hàng ven đường hay những người khác bằng cách sử dụng các tin nhắn trên điện thoại di động.

M-Pesa ban đầu được giới thiệu tại Kenya như một phương thức thay thế nhằm giúp những người dân không sử dụng ngân hàng ở đất nước này có thể tiếp cận vào các dịch vụ tài chính. Kết quả của dự án rất đáng chú ý. Theo giới chức Kenya, khi người dân không còn cần giữ tiền mặt bên mình, số vụ trộm cắp và lừa đảo đã giảm đi đáng kể. Tính hiệu quả của các dịch vụ tài chính cũng đã được cải thiện khi người dân không còn cần tới ngân hàng xếp hàng và chờ đợi. Ngoài ra, các thông tin cũng cho rằng hệ thống M-Pesa đã cải thiện đáng kể tiêu chuẩn sống của người dân ở Kenya.

Theo Phó giám đốc Viện Kinh tế IBK của Hàn Quốc Cho Bong-hyun, Triều Tiên  hoàn toàn có thể lấy M-Pesa làm hình mẫu. “Số người sử dụng điện thoại di động ở Triều Tiên đã đạt con số khoảng 6 triệu người. Điện thoại thông minh cũng đã được giới thiệu ở nước này từ năm 2013 và hiện ở Triều Tiên đang có khoảng 20 dòng điện thoại thông minh tự sản xuất trong nước”, ông Cho nói. Mặc dù vậy nhưng ông Cho cũng chỉ ra rằng hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc thanh toán ở Triều Tiên vẫn còn nghèo nàn dù xu hướng sử dụng điện thoại di động đang gia tăng.  

Trong bối cảnh như vậy, ông Cho cho rằng Triều Tiên cần phải có cách tiếp cận từng bước nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này. Trong đó, bước đi đầu tiên sẽ là lắp đặt các điểm ATM tại các sân bay, trạm tàu điện, các cửa hàng và các tòa nhà ở những địa điểm trọng yếu để mọi người có thể thanh toán được cách dễ dàng. Bước đi thứ hai sẽ là thiết lập các ứng dụng trên điện thoại di động liên kết với ngân hàng và thứ 3 là cho ra mắt những hệ thống ngân hàng ảo như M-Pesa. 

Đọc thêm