Trình phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV gồm 14 Bộ, 3 cơ quan ngang Bộ

(PLVN) - Về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, Chính phủ đề xuất phương án gồm 14 Bộ và 3 cơ quan ngang Bộ để Quốc hội xem xét quyết định.
Chủ tịch Quốc hội khai mạc Phiên họp. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Sáng 5/2, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tại Phiên họp này, với thời gian 2,5 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết ban hành ngay để phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn bộ máy trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề trong chương trình công tác năm 2025.

Cụ thể, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và 2 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi)); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiếp tục cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với hai dự án luật: Luật Nhà giáo và Luật Hóa chất (sửa đổi); cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua một số nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 và Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2025.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến họp thêm vào chiều 10/2 để cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một số nội dung cấp bách khác để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9; một số chính sách đặc thù để triển khai nhanh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận… Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với các Bộ, ngành và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị từ sớm, từ xa, khi có kết luận của cấp thẩm quyền và Tờ trình của Chính phủ sẽ tiến hành thẩm tra, cho ý kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua…

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng các đại biểu dự họp. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Ngay sau phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trình bày Tờ trình về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, Chính phủ đề xuất phương án gồm 14 Bộ và 3 cơ quan ngang Bộ để Quốc hội xem xét quyết định. Cụ thể: Thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; Thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải; Thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông; Thành lập Bộ Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ và bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc.

Duy trì các Bộ, cơ quan ngang Bộ sau: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ trưởng Trà nhấn mạnh, sau khi được Quốc hội xem xét và có Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm bộ máy hành chính thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Đọc thêm