Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Ngày 9/4/2016 được Quốc hội phê chuẩn, ngày hôm sau gặp anh em báo chí tôi cũng nói đây là công việc áp lực lớn.
Áp lực lớn nhất là công việc này ở địa phương không có, tôi nghĩ đến chuyện “từ ngòi ra biển” (ngòi chứ không phải sông). Thứ 2 là áp lực của những người tiền nhiệm đã làm rất tốt, mình làm không được cũng chết.
Chúng tôi lên đây giúp việc cho Thủ tướng, nên quyết tâm ngay từ đầu phải nắm bắt công việc, tạo sự đoàn kết thống nhất, nhưng phải đổi mới, không khác được.
Thế nên, chuyện va chạm là bình thường, tôi làm tốt cái này, tôi đôn đốc cái kia có phải mang về nhà tôi đâu. Sức ép công việc như thế tôi cho là đúng thôi.
Ngay cả vấn đề nói làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP ai cũng muốn làm, nhưng tiếp xúc báo chí thì ai cũng không thích. Nếu mình không nắm đầy đủ thông tin, không có bản lĩnh, sơ suất hay xảy ra sự cố là bình thường.
Nếu như không có bản lĩnh, không có tâm huyết, không chịu xem, chịu đọc, chịu nhớ thì mình không có đủ thông tin cung cấp cho báo chí, không đủ thông tin đối thoại doanh nghiệp. Đây là sức ép rất lớn, nhưng trách nhiệm của văn phòng là phải như thế.
Thường xuyên làm việc bên cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc nào lịch cũng dày đặc, vậy thời gian nào ông dành cho sở thích cá nhân, có bao giờ ông thấy mình quá tải?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Một Chính phủ hành động thì cả hệ thống hành động, chứ không phải riêng tôi. Vì vậy áp lực không chỉ riêng tôi mà tất cả các bộ ngành, địa phương. Tôi chỉ là hạt cát trong biển cát.
Thủ tướng quyết tâm như thế thì không thể khác được. Chúng tôi nói với nhau là xây dựng VPCP hiện đại, chuyên nghiệp, không cần nhiều người, không đao to búa lớn, nhưng công việc phải hiệu quả, làm sao cho sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Chúng tôi cũng phải phân bổ công việc cho hợp lý, vừa giúp tham mưu cho Chính phủ vừa đảm nhiệm công việc của VPCP. Vì vậy, chúng tôi chia sẻ 50% thời gian làm việc cho Chính phủ, 50% cho VPCP.
Tôi có rất nhiều sở thích, nhưng thời gian cần tập trung nhiều cho công việc. Sáng đến cơ quan sớm, tối mới về thì thời gian dành cho thể dục thể thao cũng không có, nhưng mình phải sắp xếp.
Tôi rất mê tennis. 5h đi đánh tennis đến 6h15, ăn sáng rồi đi làm. Phải tranh thủ thời gian xem tài liệu, đọc báo. Tôi cũng dành thời gian nghiên cứu thông tin khi Tổ công tác của Thủ tướng, Tổ tư vấn cải cách thủ tục hành chính đi làm việc các nơi…
Nhưng phải nói là các cộng sự tận tâm giúp chúng tôi rất nhiều nên tôi cứ yên tâm mà làm.
|
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hỏi thăm doanh nghiệp làm thủ tục kiểm nghiệm thú y vùng 2 Hải Phòng. Ảnh: Nhật Bắc |
Ông có cách nào để làm tròn công việc mà “ai cũng không thích” là tiếp xúc với báo chí?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Một nhiệm vụ rất quan trọng của VPCP là cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, chủ động và minh bạch chứ không mang tính đối phó, không phải lướt sóng hay đùn đẩy. Là người phát ngôn cho Thủ tướng, chúng tôi làm rất nghiêm túc việc này.
Nhiều việc chúng tôi chủ động thông tin với báo chí. Tôi không phân biệt số điện thoại lạ hay quen. Khi nhận được điện thoại, chúng tôi trả lời rất nghiêm túc.
Như vụ BOT Cai Lậy-Tiền Giang, hôm đó tôi đang họp ở TPHCM, báo chí gọi điện thoại hỏi tôi cũng nói rõ thông tin chiều hôm đó Thủ tướng chủ trì để giải quyết. Hay như họp báo Chính phủ bây giờ cũng công khai, trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp theo dõi.
Chúng tôi phải cảm ơn báo chí, chính các bạn giúp cho Chính phủ, Thủ tướng chuyển ngay chủ trương chính sách, thông điệp, những gương làm tốt, chỉ đạo của Thủ tướng hoặc những địa phương, cá nhân làm chưa tốt, công khai để dân đánh giá.
Tất cả minh bạch, kịp thời và tôi sẽ cố gắng duy trì tinh thần này. Nhiều thông tin của Chính phủ hay các đợt kiểm tra chuyên ngành của Tổ công tác vừa rồi chúng tôi đều công khai, gần 20 cơ quan báo chí đi cùng. Nếu không có báo chí tham gia giám sát thì không thể tốt được. Bộ nào mà hứa và công bố với Tổ công tác có sự chứng kiến của báo chí thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm.
Khi mới hoạt động, Tổ công tác của Thủ tướng gặp khá nhiều sức ép từ các bộ, ngành như câu chuyện “anh là bộ trưởng, tôi cũng là bộ trưởng, sao anh kiểm tra, phê bình tôi?”. Đến nay, suy nghĩ này đã được thay đổi hay vẫn còn?
Đây là việc rất nhạy cảm, rất va chạm. Khi Tổ công tác kiểm tra lần đầu tiên tại Bộ KH&ĐT, thứ hai là Bộ Tài chính, đúng là có câu chuyện “anh là bộ trưởng, tôi cũng là bộ trưởng, tại sao anh kiểm tra, phê bình tôi?”.
Đây là câu chuyện tôi đắn đo, suy nghĩ rất nhiều và đã có lường trước. Chúng tôi nói rõ rằng đây là nhiệm vụ Thủ tướng giao, chúng tôi cũng không có thẩm quyền phê bình bộ trưởng, mà chúng tôi chỉ chuyển tải thông điệp, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Sau một thời gian ngắn, các bộ trưởng khác rất mong mỏi Tổ công tác về giúp cho bộ. Quan điểm đó giờ đã bị lãng quên./.