Ngôi nhà nơi từng là thẩm mỹ viện, sau thời gian dài gián đoạn, không ai dám tới thuê. Những ngày cuối tháng 3/2014, vừa mới có một người đàn ông tới thuê để mở quán internet. Theo những hàng xóm, ban đầu người này cũng có vẻ chần chừ, lưỡng lự nhưng sau đó đã quyết định “dũng cảm” thuê để kinh doanh.
“Anh ta qua đây tìm hiểu rất nhiều lần, hỏi chúng tôi thông tin về cửa hàng, ngần ngại mãi, nhưng có lẽ thấy giá thuê rẻ nên cuối cùng đã chấp nhận”, một hàng xóm thuật lại.
Từ khi thuê lại căn nhà “chết người”, người này thường đi cùng một vài người khác tới sửa sang. “Anh ta ở đâu không rõ. Mỗi lần tới đây, để xe ở ngoài xong, là cùng mấy người mất hút vào trong, kéo cửa kín mít lại. Xong việc họ lại lặng lẽ ra về, không bao giờ giao lưu với hàng xóm xung quanh”, một hàng xóm khác nói.
|
Người dân thương cảm cho cái chết của nạn nhân |
Cũng theo những người hàng xóm, kể từ khi vụ án xảy ra, người dân nơi đây rất lo lắng, sợ hãi. Họ theo dõi sát sao thông tin trên báo chí liên quan đến vụ việc. Những người dân nơi đây cũng cầu mong nhanh chóng tìm được xác nạn nhân để họ có thể yên nghỉ nơi chín suối.
Xa lộ Pháp luật cũng tìm tới gia đình Khánh. Tại ngôi nhà 8b, ngõ 100, phố Sơn Tây (Hà Nội), hiện hữu một sự im lìm vắng lặng. Một hàng xóm cho biết, từ ngày con trai bị bắt giam giữ, ngôi nhà của vợ chồng ông Đào Quang Tiến và bà Nguyễn Thị Yến (bố mẹ Khánh) lúc nào cũng khép cửa.
“Ông Tiến hàng ngày vẫn lầm lũi đi làm xe ôm kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Bà Yến bệnh tình chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Dù rất bức xúc trước hành vi của Khánh nhưng chúng tôi vẫn thấy thương và tội nghiệp cho vợ chồng ông Tiến”, hàng xóm ái ngại cho hay.
Người dân cũng kỳ vọng phiên xử tới đây sẽ được tiến hành nghiêm túc, đúng người đúng tội./.