Trở về

...Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh, thành tâm thỉnh hồi chuông tưởng niệm, trò chuyện với các anh, hoá vàng những sản phẩm báo chí – thành quả lao động của tập thể những người làm báo PLVN. Đó là tấm lòng đơn sơ gửi gắm vào cõi tâm linh giữa đất trời.


Như một lẽ sống, tâm nguyện của Tổng biên tập báo Pháp Luật Việt Nam - anh Đào Văn Hội - là hằng năm, vào những ngày tháng 7, tập thể Báo phải có một cuộc hành hương về Quảng Trị để tri ân những anh hùng đã ngã xuống cho hòa bình và báo cáo thành quả Báo đã có được trong một năm trôi qua.

quangtri
Đoàn cán bộ Báo PLVN do Tổng biên tập Đào Văn Hội dẫn đầu thành kính nghiêng mình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: TMT

1. Năm nay, đoàn cán bộ, phóng viên báo lại trở về với đất Quảng khi Thủ đô Hà Nội đã lên đèn. Con đường Trường Sơn huyền thoại đưa chúng tôi trở về đúng nghĩa và gần gũi hơn với các anh. Một đêm dài không ngủ, 3 chiếc xe lao trong đêm tối và thao thức muốn được gửi gắm đến các anh những tâm sự của riêng mình. Tâm sự về nghiệp làm báo, về cuộc đời, về thân phận..

Anh Hội luôn nhở anh em: “Đây là chuyến đi của chính từng cá nhân anh em, trở về với hồi niệm hào hùng của thế hệ cha anh mà tuổi đời còn rất trẻ đã ngã xuống cho độc lập, tự do. Chuyến đi sẽ bồi đắp thêm cho những người làm báo PLVN  bài học quý về cách ứng xử với bậc tiền nhân, về lối sống và biết nâng niu những tháng ngày hoà bình trong công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay”.

Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, thành cổ Quảng Trị, dòng Thạch Hãn chảy mãi..., những địa danh đã đi vào sử sách và không chỉ là câu chuyện riêng của đất nước Việt Nam. Đó là tuổi trẻ, sự hiến dâng cho Tổ quốc khi cần, đó là xương máu, là nỗi đau chia cắt hai miền. Đó là sự thống nhất sau biết bao năm chờ đợi để ca lên khúc hát: “Rừng núi dang tay nối lại biển khơi, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la, anh em ta về,  gặp nhau mừng như bão táp quay cuồng trời rộng.   Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam..” ( Trịnh Công Sơn)

Đã 35 năm sau ngày thống nhất Bắc Nam, nhưng mỗi khi vào đây những người thuộc thế hệ hậu chiến như tôi vẫn cảm thấy hình ảnh chiến tranh còn nguyên, đạn bom và sự ngã xuống còn nguyên. Nhìn lại những bức tường loang lổ bởi bom đạn, và còn nhiều nấm mồ chưa có tên... mới biết rằng hoà bình phải trả giá lớn như thế nào.

Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh, thành tâm thỉnh hồi chuông tưởng niệm, trò chuyện với các anh, hoá vàng những sản phẩm báo chí – thành quả lao động của tập thể những người làm báo PLVN. Đó là tấm lòng đơn sơ gửi gắm vào cõi tâm linh giữa đất trời.

Đến đây, để chúng ta cùng nguyện cầu cho linh hồn những người lính siêu thoát; để  tự đáy lòng chúng ta nhắc nhở mình cần sống tử tể và biết yêu thương mọi người.

2. Tri ân là hành động không phải chỉ dừng lại ở việc cúng bái, đó còn là trách nhiệm với những người đang sống, với người dân của “miền đất lửa” thời hiện tại. Hình ảnh bà Hoa xúc động không nói nên lời khi được anh Hội trao tặng số tiền 25 triệu đồng  để giúp xây cho bà một căn nhà mới như cánh diều giữ lưng trời nắng vàng yên ả khơi gợi lên những mạch nguồn bao dung.

Người phụ nữ đã gắn bó cả tuổi thanh xuân cho thời chiến mà hoà bình lập lại vẫn côi cút sống nghèo khó trên vùng đất cát trắng trong căn nhà dột nát. Bánh xe cuộc sống quay đi với còn bao điều dang dở, nhưng nhất quyết, cõi lòng người Việt không có chỗ cho sự lãng quên quá khứ. Có được số tiền như vậy để xây nên một căn nhà mới với bà như một giấc mơ tuyệt đẹp, nhưng với chúng tôi, đó không phải một món quà, đó là niềm tri ân.

Hay những đứa trẻ mồ côi, khuyến tật. Khi nhận món quà từ đại diện nhà tài trợ và báo PLVN,  các em vui đùa, mân mê từng cây viết, cuốn vở mới và giữ thật chặt như sợ đánh rơi. Với một thế hệ nhiều mất mát ở miền quê yêu thương này, những tặng vật dù rất nhỏ của chúng ta là cả một ước mơ lớn hằng ngày của chúng.

Ba ngày với trên hàng ngàn kilômét di chuyển, đi qua không biết bào nhiều thôn xóm, dừng lại ở những nơi khó khăn nhất để sẻ chia, với những người làm báo đó là vinh dự và là một quà tặng lớn lao từ cuộc sống: Cho đi có nghĩa là chúng ta đang nhận được rất nhiều.

Ra đi có nghĩa là trở về. Trở về  với đất Quảng Trị là sự trở về với sự tĩnh lặng, sự lắng nghe lại mình. Để chỉnh trang lại tâm hồn, lối sống, biết ơn tiền nhân, để có thật nhiều bao dung cùng sẽ chia với anh em.

Quảng Trị, những ngày mưa trở về

Tuấn Ngọc

Đọc thêm