Thú văn chương tao nhã ngày xuân
Buổi ra mắt “Sách Tết Kỷ Hợi 2018” tại Nhà sách Cá chép (Nguyễn Thái Học, Hà Nội) có sự tham gia của Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học và Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến.
Vào những ngày này, cách đây hơn 90 năm, “Sách xem Tết” năm Mậu Thìn 1928 của Tân Dân Thư Quán đã mở lối tiên phong cho thể loại sách Tết trong lịch sử xuất bản nước ta.
Với nội dung chủ yếu có hai mảng văn hài đàm và thơ vui, chấp bút bởi nhiều tên tuổi nổi tiếng làng văn, sách Tết mang lại cho độc giả những tiếng cười sảng khoái, những câu chuyện lời thơ giải trí nhẹ nhàng dí dỏm vào ngày đầu năm.
Do vậy, sách Tết ngày càng được ưa chuộng. Nhà nhà từ bắc chí nam đua nhau làm sách; hít hà mùi giấy mực, vui cái thú văn chương tao nhã ngày xuân đã trở thành cái lệ đầu năm với nhiều người.
Thế nhưng từ sau năm 1958, không còn ấn bản nào mang tên sách Tết, để lại trong lòng người đọc một khoảng trống tinh thần bâng khuâng, tiếc nhớ. Những tập sách mỏng khiêm nhường ấy, cũng như gốc mai, cành đào, bánh chưng, củ kiệu, quen thuộc dung dị là thế, nhưng bỗng vắng bẵng đi khiến cho cái tết chưa tròn, như người ta vẫn nôm na “có cái gì thiêu thiếu”.
Và bây giờ, với “Sách Tết Kỷ Hợi 2019”, những người làm sách mong muốn mang sách Tết trở lại, như món quà nhỏ cho ngày xuân thêm trọn vẹn. Sách có thể không phải để đọc ngay, mà là một thứ cho đủ lệ bộ tựa như mâm ngũ quả ngày Tết. Ra giêng ngày rộng tháng dài, lúc ấy mới giở cuốn sách Tết còn thơm mùi mực, nhẩn nha nhấm nháp không khí của ngày xuân.
“Sách Tết Kỷ Hợi 2019” ghi lại những cảm xúc, suy tư, dấu ấn mang hơi thở của ngày hôm nay, đồng thời cũng khôi phục và lưu giữ các phong tục, hương vị Tết xưa của người Việt.
Cuốn Sách Tết |
Phần văn là tổng hòa của những cái tết xưa và nay, từ miền quê đến chốn thị thành với “Tết quê” của Phan Cung Việt, “Ăn Tết với người lạ” của Nguyễn Thị Thu Huệ, “Nhớ một Tết xa” của Ma Văn Kháng, “Ở đâu Tết cũng vui” của Nguyễn Trí...
Phần Thơ cũng không thiếu những xúc cảm với những cái tết miền núi, hải đảo in hằn những dấu chân văn sĩ đã qua. Rồi những nốt nhạc xuân vui vang lên quyện vào cái chất “hùng” của sử xưa. Cái chất xưa còn được tiếp nối bằng những câu chuyện cổ tích “kể lại”, giúp nhịp điệu sách Tết giãn ra bằng những tiếng cười thư giãn.
Bên cạnh đội ngũ viết có tên tuổi, các họa sĩ minh họa cuốn sách cũng rất quen thuộc với bạn đọc như: Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Hoàng Tường, Tạ Huy Long, Kim Duẩn…
Hồi ức tục lệ Tết xưa
Với “Tết quê”, nhà văn Phan Cung Việt ghi lại hồi ức không khí rộn ràng đón Tết của gia đình nhà ngoại khi xưa: “Mẹ Thị tóc bạc phơ sẽ ra hái hai quả bưởi đường ngọt đến tận gan ruột mà chỉ quê Thị mới có.
Ông bố đang sắp ban thờ, không quên đưa ít vải khô mùa trước còn thơm thoảng vị đường mật của trời đất. Cậu em ra ao vườn lùa cá, cô em dâu vào hạ buồng chuối xanh còn lại để nấu nồi canh cá gia truyền. Tiếng reo lên từ cuối vườn rộng của lũ trẻ cùng ông dồn con lợn chó để chuẩn bị xẻ thịt. Như chỉ quê Thị vườn rộng bát ngát mới có thú nuôi con lợn thả rông từ tết trước...”.
Còn nhà văn Ma Văn Kháng lại “Nhớ một cái Tết xa” với nỗi lo quen thuộc: “Đó là những năm tám mươi của thế kỷ trước. Sau cuộc chiến tranh dài ba mươi năm, lại đang ở thời kỳ bao cấp, đời sống của dân ta lúc này thật sự là đã ở vào tình cảnh vô cùng khốn khó. Cái ăn vốn là nỗi ẩn ức hàng ngày không buông tha ai, giờ cái Tết lại ập đến...”.
Cũng mang đến những hoài niệm Tết xưa, nhà nghiên cứu Trịnh Bách xốn xang “Những ngày giáp Tết”: “Đêm ba mươi là lúc Tết nhất của Tết. Càng gần giờ giao thừa thì mọi người càng trở nên nghiêm túc hơn, “hiền” hơn. Bố mẹ tôi tự nhiên có vẻ nghiêm trang, nhưng nhã nhặn hơn ngày thường.
Bàn thờ giao thừa và bàn thờ gia tiên đã sẵn sàng. Bố tôi vẫn giữ được đôi tranh Thần Đồ, Uất Lũy cũ đem ra treo hai bên cửa ra vào dưới nhà, từ tối ba mươi Tết mỗi năm…”. “Rồi giao thừa đến. Hương khói nghi ngút. Mẹ tôi trở nên nghiêm trang, thành kính tối đa trong mỗi cử chỉ. Phấn son, nhưng mẹ vẫn mặc áo dài năm cũ khi cúng giao thừa.
Nhưng kiêng cữ như tránh quét nhà, to tiếng, nói dối… bắt đầu được tuân thủ”…. “Lúc mọi nhà cúng giao thừa và gia tiên xong, ở những năm được đốt pháo, pháo bắt đầu rền…”.
Tin rằng, những chiêm nghiệm, đôi khi là hồi ức về tục lệ xưa, không khí đón Tết xưa của “Sách Tết Kỷ Hợi 2019” sẽ làm sống lại tuổi thơ của bao người.