Trông đợi vào cam kết của tân Thủ tướng

(PLO) - Hôm qua, ông Nguyễn Xuân Phúc đắc cử Thủ tướng. Báo Pháp Luật Việt Nam xin chúc mừng tân Thủ tướng.
Trông đợi vào cam kết của tân Thủ tướng

Trước Quốc hội, tức là cũng trước quốc dân đồng bào, tân Thủ tướng tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

Ông khẳng định nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cam kết nghiêm túc lắng nghe nguyện vọng của đồng bào cử tri cả nước, ra sức khắc phục yếu kém, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tiến hành toàn diện công cuộc đổi mới nền kinh tế, tập trung cải cách hành chính…

Đặc biệt ông đề cập đến nhiệm vụ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phát huy dân chủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết, kiên trì, vững tâm bảo vệ sự độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần ấm no, hạnh phúc, an toàn, an ninh cho nhân dân.

Cam kết có nhiều nội dung, một số nội dung đã thấy trong tuyên thệ của tân Chủ tịch nước, tân Chủ tịch Quốc hội nên vấn đề rất lớn được cử tri quan tâm trong tuyên thệ của người đứng đầu bộ máy hành pháp đó chính là: Môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường kỷ cương, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam rất, rất đáng quan ngại. Doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục kêu về thủ tục. Bộ máy hành chính vẫn đang vận hành với tư duy “ban ơn” chứ chưa phải phục vụ. Giảm bớt thủ tục thì giảm bớt chi phí, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh hội nhập, nếu không đổi mới, môi trường đầu tư không thông thoáng thì doanh nghiệp trong nước sẽ tìm ra các môi trường bên ngoài lãnh thổ để đầu tư, các doanh nghiệp bên ngoài thì “chờn” vào.

Chống tham nhũng vẫn là điểm yếu của hệ thống hành pháp. Hiện nay nhiều bộ, ngành đang nô nức mở hội nghị 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Các báo cáo tổng kết rất hoành tráng. Một vụ án “điểm” được đưa ra truy tố được đưa vào nhiều báo các của các bộ, ngành chức năng. Tuy nhiên, thực tế phải công nhận: tham nhũng phát triển bất chấp “quyết tâm” và “khẩu hiệu”.

10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, không thể chống tham nhũng bằng “nghị quyết” và lập bộ máy chống tham nhũng ở các cơ quan hữu trách. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ cải cách thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, hoàn thiện tổ chức và cơ chế lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều này đòi hỏi bộ máy hành pháp, đứng đầu là tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải vận hành hiệu lực, hiệu quả, có kỷ cương. Có thể nói, cam kết của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất được trông đợi.

Đọc thêm