10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2013

(PLO) - Ngày 28/12/2013, Hội đồng Bình chọn 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2013 của Báo Pháp luật Việt Nam đã họp, xem xét kết quả bình chọn của bạn đọc gửi về qua các ấn phẩm.
10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2013
Với sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo bạn đọc, Hội đồng đã nghiêm túc xem xét, cân nhắc và quyết định lựa chọn 10 sự kiện dưới đây:
1. Thông qua Hiến pháp sửa đổi
Bản Hiến pháp được sửa đổi, thông qua lần này thể hiện được tinh thần đổi mới, hợp ý Đảng, lòng dân. Hiến pháp sửa đổi có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Không chỉ hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập của đất nước, việc sửa đổi, bổ sung bản Hiến pháp năm 1992 - được xây dựng trong thời kỳ đầu đổi mới đất nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành.
2. Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực… Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, là thành tựu, thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta.
3. Ngày Pháp luật  9/11
Từ một sáng kiến của tư pháp các địa phương, được chính thức công nhận là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành sự kiện chính trị, pháp lý hàng năm của cả nước nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, Ngày Pháp luật Việt Nam là ngày rất ý nghĩa, thể hiện sự tôn trọng luật pháp, là dịp nhắc nhở mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nhắc nhở cơ quan công quyền và mọi người dân ý thức về bổn phận tuân thủ, thi hành pháp luật.
Ngày Pháp luật 9/11 đầu tiên trên toàn quốc với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cao điểm là Lễ công bố “Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013”, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật; là thông điệp gửi đến toàn dân về ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đồng thời gửi đến bạn bè thế giới về cam kết xây dựng một Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta, góp phần củng cố và tạo lập hình ảnh của nước Việt Nam luôn thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
4. Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đối với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lần đầu tiên được thực hiện 
Quốc hội Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, cử tri cũng như báo giới, tăng cường tính công khai và vai trò giám sát của một cơ quan lập pháp. Như nhiều bạn đọc đánh giá, việc các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được đánh giá công khai qua một cuộc bỏ phiếu mở đầu cho nhiều thay đổi trong tương lai, được dư luận nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm, theo dõi…
5. Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua
Có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003, Luật này đã thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của T.Ư Đảng, khắc phục, giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003. Luật Đất đai sửa đổi có những điểm đổi mới căn bản về chế độ sở hữu đất đai, quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; về giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...
6. Khởi tố vụ án hình sự đối với hai vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong ngành Y tế
Hàng nghìn bản xét nghiệm máu tại Bệnh viên Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị “nhân bản” và Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác nạn nhân bị tai biến, tử vong sau phẫu thuật  xuống sông. Hai vụ việc không chỉ là những sai sót chuyên môn đơn thuần của từng cá nhân hoặc riêng lẻ từng địa phương mà còn cho thấy vấn đề y đức cùng những bất thường trong ngành y đã và đang diễn ra đang có nguy cơ trở thành phổ biến, đòi hỏi ngành y tế cần xem xét lại chính sách quản lý và vận hành của mình. Vụ việc cũng  báo động về tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân tại một số địa phương.
7. Vụ án Nguyễn Thanh Chấn
Ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án sau 10 năm ngồi tù oan, được kháng nghị và được Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử tái thẩm. Vụ án đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi pháp lý cũng như chỉ ra những lỗ hổng lớn trong tố tụng, cần được khẩn trương hoàn thiện.
8. Nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử (ALC II, Vifon, Vinalines)
Điều này thể hiện quyết tâm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước chuyển mạnh mẽ với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ máy các cơ quan phòng chống tham nhũng được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường.
9. Công nhận ngày 19/7 hàng năm là “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự” và ngày 10/10 hàng năm là “Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam” 
Quyết định công nhận ngày 19/7 hàng năm là “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự” và ngày 10/10 hàng năm là “Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển công tác thi hành án dân sự cũng như nghề luật sư, thể hiện sự công nhận của Đảng, Nhà nước với những đóng góp quan trọng của hai lĩnh vực này dưới góc độ pháp luật và xã hội. Đây là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đề ra phương hướng, giải pháp mới hiệu quả để tiếp tục xây dựng ngành thi hành án dân sự vững mạnh, phát triển bền vững nghề luật sư, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. 
10. Quyền mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và hôn nhân đồng giới
Lần đầu tiên, quyền  mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và hôn nhân đồng giới được đưa vào Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. Hai vấn đề này được đưa vào Dự thảo Luật thể hiện những bước chuyển đáng kể của Việt Nam trong vấn đề tôn trọng quyền con người, tăng cường tính nhân văn trong các đạo luật. Hai vấn đề này khá nhạy cảm nhưng cùng với sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào đời sống quốc tế, tư duy làm luật cũng đã có những thay đổi, thích ứng với thay đổi của xã hội trong việc nhìn nhận vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng như hôn nhân đồng giới.

Đọc thêm