19 tổ chức, cá nhân bị kỷ luật vì vi phạm về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

(PLVN) - Trong năm 2019, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.640 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 2.751 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 623 đơn vị có vi phạm; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 425 tổ chức, 628 cá nhân; xử lý kỷ luật 19 tổ chức, cá nhân.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên họp.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên họp.

Chiều 11/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.

Khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp 

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó trên một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo là lĩnh vực môi trường; liên quan đến đất nông - lâm trường; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng…. 

Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt (điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, TP Hồ Chí Minh).

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2019 có 478.237 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 4,3% so với năm 2018), với 304.180 vụ việc (tăng 9,1%), có 4.611 lượt đoàn đông người (giảm 0,6%).

Các cơ quan hành chính tiếp nhận 299.544 đơn thư các loại. Có 194.469 đơn đủ điều kiện xử lý với 23.357 vụ việc khiếu nại, 8.401 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. 

So với năm 2018, số đơn thư các loại giảm 7%; số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giảm 6,8%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 6,6%. 

Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 27.130 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,4% (khiếu nại 20.023 vụ việc, đạt 85,7%; tố cáo 7.107 vụ việc, đạt 84,6%). 

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 205,5 tỷ đồng, 24,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng. 

Về thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong năm 2019, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.640 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 2.751 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 623 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 425 tổ chức, 628 cá nhân, xử lý kỷ luật 19 tổ chức, cá nhân.

Xử nghiêm, kịp thời cán sai phạm, thiếu trách nhiệm 

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định kiến nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đề xuất cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai. 

Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Cùng với đó, xử lý nghiêm, kịp thời đối với cán bộ, công chức sai phạm, thiếu trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ để nắm bắt kịp thời và xử lý các tình huống phức tạp, dễ phát sinh thành điểm nóng gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Ủy ban Pháp luật cũng kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, chú trọng giải thích chính sách, pháp luật cho công dân; tiếp tục rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

“Năm 2020 là năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025, do vậy tình hình khiếu nại, tố cáo tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và có thể có những diễn biến phức tạp. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chủ động có các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, ông Định nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND năm 2019 tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết, trong 10 tháng qua, các TAND đã nhận được 20.888 đơn thư các loại. Qua xem xét, rà soát, phân loại có 6.668 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 4.193 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán.

Theo ông Quang, 48 đơn tố cáo đối với cán bộ Tòa án, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức Tòa án có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết các loại vụ án, vi phạm phẩm chất đạo đức hoặc quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị.

Trong tổng số 48 đơn đủ điều kiện thụ lý, TANDTC đã chuyển cho các TAND cấp tỉnh xem xét và giải quyết theo thẩm quyền đối với 30 đơn, còn lại 18 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của TANDTC.

“Đã kết luận đối với 20 trường hợp. Theo đó 18 đơn tố cáo là không đúng, không có cơ sở; có 1 đơn tố cáo đúng và Ban cán sự đảng TANDTC đã xem xét xử lý trách nhiệm; 1 đơn yêu cầu TAND cấp tỉnh giải quyết. 28 trường hợp còn lại đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”, ông Lê Hồng Quang thông tin.

Cùng với việc giải quyết các đơn tố cáo và qua công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, các Tòa án đã xử lý kỷ luật 34 công chức, người lao động đang công tác tại các TAND địa phương do vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm trong công tác và vi phạm quy định về quy chế công vụ của Tòa án (trong đó có 1 Thẩm phán và 1 Thư ký bị xử lý về hình sự).

Đọc thêm